Trên những cung đường biên giới Tây Nam - Bài 4: Nén tâm nhang hòa bình

Ký ức xưa làm không ít người ám ảnh bởi những lần “chà qua xát lại” của quân Pol Pot nơi những miền quê vùng biên giới Tây Nam. Và trong cuộc chiến tranh vệ quốc ấy, biết bao xương máu đã đổ xuống. Tri ân tiền nhân chẳng phải là tâm nguyện vô hình. Mỗi con người, nghĩa cử của hôm nay sẽ trở thành mắt xích của dòng chảy lịch sử mai sau. Thế hệ đương thời có trách nhiệm trở thành gạch nối trọn vẹn nghĩa nhân, tiếp nối thế hệ sống - thác vị nhân dân và chủ quyền thiêng liêng.

Tháng 7, nén nhang, tràng hoa, tiếng chuông hay ngọn nến được thắp lên ở những nghĩa trang liệt sĩ, đền tưởng niệm, nhà tưởng niệm…, có cái cúi đầu tri ân của thế hệ trẻ, có giọt nước mắt nhớ về đồng đội của lớp người đi qua cuộc chiến. Khép lại loạt bài Trên những cung đường biên giới Tây Nam, chúng tôi cũng gửi một nén tâm nhang tri ân những cung đường đã qua, một nén tâm nhang hòa bình.

1. Nơi đâu trên dải đất hình chữ S này cũng có thương binh, gia đình, thân nhân liệt sĩ, có những bà mẹ “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Và cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam cũng khiến bao bà mẹ đau đáu hoài đứa con nằm xuống khi đất nước đã thống nhất, hòa bình.

Trở lại cung đường Tây Nam trong mùa mưa Nam bộ, những cánh đồng đang vào vụ, chúng tôi nhiều lần gặp nụ cười được mùa của người nông dân. Gặp chú Nguyễn Văn Cọp (ngụ huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An), cái tên nghe hơi dữ nhưng khuôn mặt lại toát lên vẻ hồn hậu của người nông dân Nam bộ. Chú cười trừ khi nhắc về tên mình, rồi lại khoe chiếc đồng hồ đeo tay có khắc ảnh Bác Hồ. Chú tếu táo: “Nói biên giới xa xôi chứ ở đây cũng đầy đủ, yên bình nhen cô, đồng hồ có in hình Bác nữa nè. Đường được mấy chú (lực lượng bộ đội biên phòng - PV) xây mới, chở lúa chở dưa gì cũng tiện. Mình đi ruộng, còn mấy chú đi tuần liên tục. Cánh đồng bên kia thì của nước bạn, là qua biên giới rồi đó nha”.

Tiếp nhận 13 chiến sĩ mới nhập ngũ, bài học đầu tiên mà chính trị viên Đồn Biên phòng Long Khốt, tỉnh Long An và đồng đội truyền thụ cho các anh lính trẻ chính là giáo dục truyền thống, lòng yêu nước. “Hàng tháng, ngay sau lễ chào cờ tháng và vào các ngày lễ tết, đơn vị tổ chức đội hình dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Đồn Long Khốt. Và bài học đầu tiên mà mỗi đợt tiếp nhận chiến sĩ trẻ cũng là bài học đầu tiên của tôi khi nhận nhiệm vụ nơi này là phải thuộc lịch sử 43 ngày đêm kiên cường. Chúng tôi cũng tự đặt ra cho mình nhiệm vụ tri ân người nằm xuống ngày hôm qua”, Trung tá Đỗ Văn Long chia sẻ.

Lịch sử để lại bài học nhiều giá trị và giá trị muôn đời chính là hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. An Giang là một trong số các tỉnh vùng biên giới Tây Nam chịu nhiều tổn thất nhất của các cuộc bắn phá, giết chóc của quân Pol Pot. Điển hình là câu chuyện hơn 3.000 người Việt ở xã Ba Chúc bị sát hại, ám ảnh bao người. Những thế hệ hôm nay nhẹ nhàng viết tiếp câu chuyện ngày hôm qua.

Anh Nguyễn Văn Tâm (bảo vệ Khu di tích lịch sử Nhà mồ Ba Chúc) tâm sự: “Nhắc lại chuyện xưa thì dân ở đây đâu có lạ gì, lớp trẻ sau này cũng biết qua lời kể của ông bà, cha mẹ. Mình không quên người nằm xuống, nhưng cũng cần bước qua, lịch sử ở ngay trong lòng, trong tim của mình, chứ không phải nhắc đi nhắc lại để cày xới những nỗi đau đã qua”.

Chiến sĩ trẻ biên phòng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Chiến sĩ trẻ biên phòng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

2. Đi qua chiến tranh mất mát, nhiều phận người phải hàn gắn lại cuộc đời dang dở, đất nước từng chút một khâu lại vết thương. Việc cắm mốc biên giới, thiết lập hàng rào phòng thủ và có chính sách ngoại giao phù hợp là việc làm hàng đầu.

Trong những lần gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ biên phòng hậu bối, Đại tá Lê Nga (nguyên Chỉ huy phó Công an Vũ trang Tây Ninh) không ngừng căn dặn bài học ngoại giao hậu chiến: Sau chiến tranh, bên mình cử một số sĩ quan, chuyên viên qua Campuchia làm chuyên gia, cố vấn, để cùng họ củng cố làng mạc, xây dựng chính quyền cơ sở dọc biên giới và trong nội địa. Khi quân giải phóng của mình hỗ trợ đánh đuổi được Pol Pot thì họ phấn khởi coi anh em chiến sĩ mình như người một nhà. Nhân dân mình nhịn ăn, nhịn gạo cứu đói, sửa lại nhà cửa, giúp đỡ nhân dân Campuchia sát biên giới…

Tây Ninh có đường biên giới dài trên 240km tiếp giáp Vương quốc Campuchia. Sự giao thoa ở nhiều huyện, thành phố, thị xã của 2 bên càng khiến công cuộc hàn gắn hậu chiến phức tạp. Thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Campuchia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định năm 2005, tỉnh Tây Ninh triển khai thực hiện công tác phân giới cắm mốc biên giới. Trên địa bàn tỉnh cắm 101 vị trí với 109 cột mốc chính, chiếm gần 1/3 số mốc của toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia (trong tổng số 10 tỉnh tiếp giáp). Từng cột mốc lần lượt được cắm lên trên lằn ranh biên giới thay cho lời khẳng định chủ quyền lãnh thổ kiên định bao đời. Cột mốc biên giới là nơi nhiều người để lại một phần tuổi trẻ, máu xương bao người rơi xuống, loang ra, khắc sâu vào đất.

“Mỗi khi gặp lại, chúng tôi đều trăn trở làm sao để con cháu giữ vững cột mốc này. Đó không chỉ là cột mốc, mà là nước mắt và máu xương bao đời cha ông gìn giữ trọn vẹn, chúng ta phải tôn trọng và giữ gìn. Đó là nhiệm vụ, nha con”, cựu chiến binh Lê Xuân Kinh chỉ vào cột mốc biên giới mang số hiệu 150 căn dặn.

Trăn trở để các thế hệ hậu sinh hiểu hết ý nghĩa và giá trị của biên cương liền một dải, nhiều địa phương đã lấy cột mốc biên giới làm “giáo án sống” dạy người trẻ. Một số học sinh THPT ở huyện Tân Biên (Tây Ninh) vinh dự được kết nạp Đảng ở cột mốc biên giới. Theo ông Thành Từ Dũ (Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tân Biên), khi các cháu làm lễ kết nạp Đảng, hình ảnh và ý nghĩa cột mốc biên giới của Tổ quốc in sâu vào trong tâm thức.

3. Có lẽ trong suốt quá trình thực hiện loạt bài này, chúng tôi cũng cảm nhận được những ưu tư của cựu binh, người dân nơi đây. Trong mỗi lần giỗ trận, các chú, bác tề tựu, câu chuyện của họ chỉ có kỷ niệm xưa, gọi tên các đồng đội cũ. Họ không nhắc đến mình và càng không mưu cầu tư riêng. Trăn trở lớn nhất của những người đổ máu xương và một phần tuổi trẻ giữ lấy đất đai lãnh thổ là mong con cháu kiên trung giữ gìn và xây dựng quê hương. Trong nỗi niềm mang theo tuổi xế chiều còn có mong muốn người dân vùng biên giới được chăm lo nhiều hơn, biên giới được quan tâm xây dựng phát triển hơn. Bởi suốt thời chiến, vùng đất và con người miền biên viễn đã trải bao nhọc nhằn, mất mát để bờ cõi vẹn nguyên.

Gặp nhiều chứng nhân lịch sử, họ kể thật nhiều về một thời hào hùng. Đó là đoạn đời tự hào nhưng có những khoảng lặng trong đáy mắt và một khoảnh khắc trầm ngâm bất chợt làm ngắt quãng câu chuyện cũ. Có lẽ, ít nhiều nỗi niềm đã được họ cất giấu ở một ngăn - đó là trăn trở dành cho hậu thế, cho chính mình và cho người đồng đội đã khuất. Đền đài, bia đá ghi lòng tạc dạ của người còn sống với bậc tiền nhân, nhưng nơi trú ngụ của những anh linh đã khuất thật ra được ủy thác trên những đồng đội còn sống và thân nhân… May mắn còn có những con người làm nên lịch sử để chúng tôi gặp, nghe kể, ghi chép lại như một sự tri ân. Nhưng, lập tức một câu hỏi chạy vội trong đầu: Họ còn sống được bao lâu? Và phải đợi đến bao giờ mới được tri ân trọn vẹn?

Rót chén trà đãi khách và nhận lại từ những vị khách câu hỏi bất ngờ, Thượng tá Phạm Mạc Thuần (chính trị viên Đồn Biên phòng Lò Gò) mang theo trăn trở trọn nghĩa với tiền nhân, nói: “Chăm lo cho người có công, người đi trước là sự minh định với lớp người trẻ về tương lai của đất nước. Chúng ta sẽ không bỏ quên ai...”.

Trên hành trình dọc tuyến biên giới Tây Nam, điều chúng tôi ghi nhận còn có những câu chuyện để lại ít nhiều tiếc nuối, khi chính sách vẫn chưa thể bao trùm hết các đối tượng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương. Đó là những người ngày về phục viên, họ chỉ nhận chế độ một lần và trợ cấp cho thương binh (nếu có); là nhiều gia đình có công, những cô thanh niên xung phong đi qua tuổi xuân trong mất mát vì cháy mất giấy tờ, đã chẳng nhận lại được gì ở tuổi xế chiều. Khi chúng tôi cố tìm kiếm một chính sách riêng, những con số cụ thể về những người thuộc về cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, thì gần như không có!

Tin cùng chuyên mục