Gắn đời vào đất
Sau khi rời màu áo lính, chú Sáu Kinh (nguyên Phó Đồn Phước Tân) và một số anh em đã chọn ở lại, sinh cơ lập nghiệp tại quê hương thứ hai - Tây Ninh, để tiện việc sớm chiều hương khói cho đồng đội. Trên bệ đá hoa cương vững chãi, một hòn đá xẻ đôi, cao vút được dựng lên, ghi nhớ danh tính của 36 liệt sĩ.
Tây Ninh tháng 7 nắng muốn cháy da, nhưng những thửa ruộng khoai, lúa, rừng cao su vẫn nối dài tươi tốt nhờ bàn tay con người. Các chốt biên phòng từng một thời ác liệt như Xa Mát, Phước Tân, Mộc Bài… đã là cửa khẩu quốc tế nườm nượp hàng hóa giao thương giữa hai nước, giúp người dân trong vùng khấm khá. “Cuộc sống ở vùng biên có thật sự bình yên?”. Chú Sáu Kinh cùng những người đi chung cười xòa, giải thích: “Bà con quanh đây đều là dân cách mạng cố cựu ở lại nên hiền hòa lắm cháu. Người dân chí thú làm ăn, thương và hỗ trợ bộ đội biên phòng canh giữ cửa ngõ quê hương để có cuộc sống bình yên”.
Đứng ở cửa khẩu Phước Tân, nhìn những đoàn xe nối đuôi chở hàng xuất khẩu sang nước bạn, Thượng tá Nguyễn Đức Long, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu Phước Tân, cho biết: “Nơi nào có tấc đất, có dân là có bộ đội biên phòng. Ngoài công tác tuần tra biên giới bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chúng tôi còn kết hợp quốc phòng với phát triển kinh tế địa phương, bảo vệ bình yên cho người dân bám trụ đất này”. Từ những vùng đất đã hòa lẫn máu thịt của cha ông, những con người mới đã chọn nơi này để gắn cuộc đời mình với đất.
Cách con đường tuần tra biên giới không xa, những căn nhà cho dân đang được chính quyền cấp tập hoàn thành những công đoạn cuối. Những “con đường bộ đội” không ngừng mọc lên giữa những cánh đồng khoai mì vốn không có lối đi, nay xe hơi có thể chạy bon bon. Xã Hòa Hội, huyện Châu Thành vài ngày nữa sẽ có khu dân cư biên giới. Thượng tá Nguyễn Đức Long chỉ cho chúng tôi những đường điện đang được kéo về trước khi đón người dân đến an cư lạc nghiệp. Mỗi hộ dân sẽ được cấp một căn nhà và cho mượn 1ha đất để làm sinh kế.
Khởi nguồn từ Đề án 407 “Bố trí, sắp xếp ổn định 3 khu dân cư biên giới Bắc Tây Ninh” của Chính phủ, những khu dân cư biên giới dần thành hình để cùng bộ đội giữ bờ cõi. Từ chục năm trước, Khu dân cư biên giới Chàng Riệc (ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên) đã thành hình trên vùng đất từng bị đạn bom giày xéo. Bố trí dân cư trên tuyến biên giới không chỉ phát huy lợi thế biên mậu và phát triển sản xuất, giữ vững quốc phòng an ninh mà còn hỗ trợ tái định cư cho các hộ nghèo, gia đình chính sách.
Trên mảnh đất anh hùng Chàng Riệc, điện, đường, trường, trạm mọc lên để đón những người con phương xa đến sinh sống, giữ đất cho mai sau. Từ vùng đất hoang sơ, đi lại khó khăn, an ninh trật tự phức tạp, một khu dân cư hoàn chỉnh với hơn 300 hộ gia đình đã an cư. Nhà nào cũng có phương tiện nghe nhìn, trường học khang trang, trạm y tế có đầy đủ cơ sở vật chất, nhà văn hóa ấp được đầu tư xây dựng, rồi doanh nghiệp cũng bắt đầu mở ra ở nơi từng là biên giới xa xôi heo hút. Nhưng giá trị lớn nhất không phải là kinh tế mà là tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ ổn định.
Chạy xe bon bon trên gần 10km đường tuần tra biên giới thuộc huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An mới thấy, để có được một con đường đủ đẹp cho bà con giao thương qua lại là nỗ lực không biết mệt mỏi của chính quyền địa phương cũng như của các “chú bộ đội”. Dọc tuyến đường là những chiếc xe chuyển lúa trong nụ cười rổn rảng của nông dân địa phương, hai bên đường, sát nước bạn Campuchia là cánh đồng lúa ngút ngàn bắt mắt. Sắc xanh miền biên viễn không phải tự nhiên mà có được!
Vì mình vì bạn
Chiều mưa biên giới khắc khoải, nơi xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, tỉnh An Giang), địa phương còn nhiều khó khăn, người dân sống chủ yếu vào nông nghiệp, đánh bắt cá hoặc tìm cách lên TPHCM, Bình Dương để tìm việc làm. Đâu đó trên những cung đường giáp với nước bạn, chúng tôi vẫn bắt gặp những hoàn cảnh sống nhờ vào tình thương của cộng đồng.
Hoạt động của bộ đội biên phòng ở đây không chỉ vì bình yên và màu xanh nơi biên cương, những chương trình được đề ra giúp đỡ bà con khó khăn xã biên giới và cả phía bên nước bạn. Chương trình “Nâng bước em tới trường” được Đồn biên phòng Vĩnh Hội Đông triển khai từ năm 2014 đến nay trên địa bàn xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, tỉnh An Giang) và cả xã Kampong Krasang (huyện Buorei Chol Sar, tỉnh Ta Keo, Campuchia). Nguồn kinh phí duy trì hoạt động từ quỹ trích từ tiết kiệm tiền lương, phụ cấp, tăng gia sản xuất, lao động của cán bộ, đảng viên trong đơn vị; phối hợp cấp ủy, chính quyền xã xét chọn các em, lập hồ sơ và hỗ trợ 9 tháng/năm, mỗi tháng 500.000 đồng/em.
Số tiền không nhiều, cũng không ít nhưng hỗ trợ kịp lúc, là nguồn động lực cho các em nơi này. Cả nhà sống nhờ vào xe bún cá, mỗi tháng nhận hỗ trợ 500.000 đồng để lo học phí cho con gái năm nay vào lớp 10, chị Trương Thị Thanh Hương (ngụ xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang) nhẹ nhõm: “Nói nào ngay, phần hỗ trợ không thể đủ lo hết học phí, sách tập rồi quần áo cho tụi nhỏ, nhưng có được sự hỗ trợ này, gia đình cũng đỡ lắm. Cả nhà đâu có ruộng đất gì, chỉ làm thuê làm mướn, còn tôi thì bán bún cá, nên có được hỗ trợ một chút cũng là sẻ chia lớn đối với gia đình”.
Từ năm 2014 đến nay, Đồn biên phòng cửa khẩu Vĩnh Hội Đông đã hỗ trợ 7 lượt em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang và xã Kampong Krasang, huyện Buorei Chol Sar, tỉnh Ta Keo với tổng số tiền 36.500.000 đồng. Ngoài ra, đơn vị vận động nhà hảo tâm tặng 12 phần quà cho các em.
Thượng tá Nguyễn Văn Duyên, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu Vĩnh Hội Đông, bày tỏ: “Xã Vĩnh Hội Đông cũng vừa thoát nghèo vào năm 2021, cuộc sống nơi biên giới mà, khá giống nhau, bên mình có hộ khó khăn, bên nước bạn cũng vậy. Nên chương trình kết hợp bên mình và phía bạn, mỗi tháng đều trao học bổng, nhận phần hỗ trợ, ai cũng mừng hết; anh em trong đơn vị cũng mừng vì các em nhỏ được tiếp tục đến trường, không dang dở giữa chừng, vì việc học còn là câu chuyện tương lai cho các em”.
Màu xanh miền biên viễn hôm nay, như câu chuyện tiếp nối truyền thống bi tráng, tự hào ngày hôm qua. Mỗi cánh đồng, con đường kể chuyện quân - dân, quá khứ khép lại bình yên, người hôm nay tiếp nối tự hào hôm qua.
Có chú bộ đội lo rồi!
Nồi cháo từ thiện muốn duy trì, ngoài kinh phí đòi hỏi phải có nhân lực và địa điểm để nấu, nỗi thấp thỏm trong lòng như gánh nặng được trút đi, khi lời đề nghị của chị Lê Thị Mai (Trưởng ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) được Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (tỉnh Long An) hỗ trợ kịp thời.
Chị Mai kể: “Hồi đầu, mấy anh chị em phụ một tay với nhau xôm tụ lắm, nhưng rồi người việc này việc kia thành ra “rụng” bớt nhân sự. Ở đây, phát đồ ăn từ thiện, đa phần các nhóm hay phát cháo chay, cơm chay, nồi cháo của mình thì nấu thịt bằm, bà con mừng lắm. Nghĩ tới cảnh phải dừng thì thương cho người nhận, họ quen chờ mình rồi. Tôi ngỏ lời, phía đồn biên phòng đồng ý hỗ trợ liền, các anh bộ đội nhín tiền ăn mỗi ngày, đi chợ, đóng hộp rồi vận chuyển ra điểm tặng bà con là bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười. Tất cả các khâu có chú bộ đội lo hết, tôi chỉ việc mỗi tháng 2 lần đến bếp của đồn để nấu”.
Nơi giáp ranh cùng nước bạn, cuộc sống dẫu đủ đầy hay còn khó khăn, dù ít dù nhiều, đời sống người dân vẫn gắn với “chú bộ đội”. “Việc gì khó thì mình ới một tiếng là mấy chú trong đồn tìm cách hỗ trợ, dân - quân dựa vào nhau. Nói chung là có chú bộ đội lo rồi, bà con thấy yên tâm lắm”, chị Mai kể.