Tấm tôn lợp trên quầy hoa quả, đồ mã của Sa thi thoảng lại rung lên bần bật đầy xao động. Trong cái nóng nực bức bối đó, Sa vẫn cảm nhận một sự thân thuộc, cô nghe trong gió mùi mồ hôi khét cháy trên tấm áo của Tô lần chở cô từ đồn A Pa Chải về thị trấn. Đó là lần đầu tiên cô tiếp xúc với Tô gần và lâu đến thế.
Đơn vị Tô ở mãi mạn ngã ba biên giới. Thi thoảng xuống phố anh vẫn ghé quầy hàng của Sa, nhưng để gần hơn thì phải nhờ chuyến ship hàng táo bạo của cô. Dịp ấy đồn có việc. Tượng đài về người anh hùng nơi ngã ba biên giới mới được xây dựng lại, đơn vị cần đồ lễ cho hôm khánh thành, Tô đã lên danh mục đặt hàng nhưng vì mọi sự chuẩn bị cho buổi lễ quá cập rập nên anh đã nhờ Sa gửi lên giúp.
Kể ra thì Sa có thể nhờ người chở, bởi cả quầy hàng chỉ có một mình cô trông coi, những món đồ của khách đều do một tay cô lựa chọn. Thế nhưng nhớ lại sự cẩn trọng của Tô khi cân nhắc từng món hương hoa, cô thấy hẳn đó là một lễ trọng, từ một ôm to cúc trắng lựa từng bông, đến bộ quần áo đồ mã theo kiểu biên phòng...
Theo lời Tô, Sa biết đó là tượng đài Anh hùng Trần Văn Thọ, một người dù đã mất cả nửa thế kỷ thì vẫn sống mãi trong lòng bà con Hà Nhì nơi ngã ba biên giới, người đã hướng dẫn bà con trồng lúa nước, học cái chữ, đuổi cái bệnh tật để kéo người Hà Nhì từ trong rừng sâu về quần tụ nơi bản mới bây giờ. Người cán bộ ấy sau khi dốc cạn sức lực cho mảnh đất này đã nằm xuống bởi căn bệnh sốt rét khi mới hai mươi sáu tuổi.
Ấy là người mà trước khi được phong anh hùng và xây tượng đài thì đã bất tử trong lòng mỗi người dân Hà Nhì. Ngôi mộ nơi anh nằm xuống mỗi năm một cao do ai đi qua cũng xếp thêm vào một viên đá. Bây giờ thì nó đã được hình tượng hóa với một tượng đài trang nghiêm bằng đá cẩm thạch, tuy vậy thì ngôi mộ đá bà con vẫn giữ lại. Tô kể say sưa về người anh hùng trẻ tuổi trong lực lượng mình, về bậc tiền bối với vẻ thành kính.
Sa đã quyết định tạm đóng cửa hàng để thân chinh chở số đồ lễ ấy lên đơn vị, dù khoảng cách từ trung tâm huyện lên đến đồn A Pa Chải cũng vài chục cây số. Ấy là ước lượng thế bởi Sa nào đã một lần đặt chân đến nơi ngã ba biên giới ấy. Vài chục cây số Sa nghĩ cũng không quá xa, ai ngờ càng đi càng hun hút. Người ta bảo đường rừng bao giờ cảm giác cũng xa hơn, cứ đi thôi, lúc nào đến khắc đến.
Nhưng Sa đi mãi không tới, tay cầm lái tê dại vì đường xóc. Chở đồ lễ cần giữ gìn nên cô cũng không thể chạy nhanh. Khi Sa cảm thấy bất lực trước sự liều lĩnh của mình thì cũng là lúc Tô gọi điện. Dù đang bận rộn, Tô vẫn kêu lên thảng thốt khi biết cô đang trên đường lên đơn vị, anh vội nhờ đồng đội chạy xuống trợ giúp đưa Sa và lỉnh kỉnh đồ lễ lên đồn.
Mang tiếng ở khu vực cực Tây Tổ quốc nhưng cái gọi là ngã ba biên giới chỉ tồn tại như một ý niệm trong cô là thi thoảng có mấy đoàn phượt phóng xe phân khối lớn nổ bành bành chạy qua, họ dừng chân trước quầy hoa quả của cô mua mang đi. Trong những câu chuyện của họ, Sa biết họ đang ngược núi lên Cột mốc số 0, nơi ranh giới tiếp giáp giữa ba quốc gia, cũng là nơi cực Tây của đất nước. Bán hoa quả cho họ xong, phành phạch âm thanh từ những cỗ xe phân khối lớn xa dần cũng cuốn theo sự náo nhiệt vừa mới nhen lên ở thị trấn vùng biên, tất cả lại chìm vào cái nhàn nhạt, hắt hiu vốn dĩ.
Buổi lễ khánh thành tượng đài đã xong. Hôm ấy Tô đã báo cáo đơn vị, mời Sa ở lại dự lễ và trợ giúp phần bày biện đồ lễ giúp anh. Sự khéo léo của Sa đã góp phần vào thành công của sự kiện có nhiều lãnh đạo cấp cao của quân đội và tỉnh về dự. Cảm động trước sự nhiệt tình của Sa, xong việc Tô đã chở cô về lại thị trấn. Bụi đường, mồ hôi quyện hương đàn ông đặc sánh nơi bộ quân phục khét đắng, tỏa ra từ tấm lưng rất gần.
Thế rồi như một sự trả nghĩa, Tô lại nhận lời đưa cô lên căn miếu nhỏ bên ngôi mộ đá của người anh hùng trên bản Tá Miếu để thực hiện một ước nguyện khi Sa nghe anh kể về căn miếu, nơi mà những mong ước thiện tâm sẽ thành hiện thực. Sa có một mong mỏi mà chỉ nghĩ đến thôi từng cơn quặn thắt đã thốc tháo trong tim. Lan Chi phải thuộc về cô. Cô muốn ở bên con. Đó là ước nguyện duy nhất. Sa không cần gì cả, nhà cửa, vàng bạc hay những miếng đất mà chồng cô đứng tên sổ đỏ, những của cải mà hai vợ chồng chung tay gây dựng chục năm trời, từ khi cô về làm dâu nhà Tín Tâm.
Khi dọn ra gian hàng tạm được thuê làm quầy hàng là Sa đã chấp nhận buông bỏ. Dân thị trấn ban đầu chưa thể quen với hình ảnh thay vì một cô Sa váy áo kiểu cách thanh tao đứng sau quầy kính sáng choang của tiệm vàng Tín Tâm ngay ngã ba phố huyện là một cô Sa sùm sụp áo chống nắng, khẩu trang kín mít ngồi sau sạp hoa quả và la liệt những phụ kiện đồ mã ở góc chợ xô bồ.
***
Mười năm như một giấc mơ với Sa. Dân thị trấn Mường Nhé đa phần là công chức huyện, một ít là giáo viên, bộ đội các đơn vị, người gắn bó dài lâu, kẻ cắm chốt tạm thời. Dăm dãy phố toen hoẻn, tất cả đều thuộc mặt nhau cả, gọi tên ai người ta cũng có thể điểm vanh vách nguồn gốc xuất xứ đủ cho một bản kê khai lý lịch. Chị gái của Sa lấy chồng về Mường Nhé. Khi chị sinh, Sa có lên hỗ trợ một thời gian.
Thế rồi sáu tháng dự định ấy đã kéo dài ra mãi khi ông bà thông gia giới thiệu cô với Tài, con trai của vợ chồng tiệm vàng Tín Tâm máu mặt nhất nhì phố huyện. Hai đứa con chào đời. Có lẽ mọi sự sẽ mãi an bài như thế, cô sẽ mãi xinh đẹp với lớp trang điểm nhẹ và bộ móng tay kiểu cách ngồi sau tủ kính bày những món nữ trang xa xỉ, kế bên là chồng cô làm chủ tiệm cầm đồ nếu như không có những gì xảy đến với Lan Chi của cô. Ban đầu con bé không chịu nói. Ai hỏi gì cũng chỉ lắc đầu buồn bã. Chồng cô và ông bà nội thay vì chữa trị đã mời về đủ thứ thầy bà làm phép trừ tà, con bé vẫn không chịu mở lời.
Sự hoạt náo trẻ thơ đi vắng mãi không về. Sa lên mạng tìm hiểu, những thông tin nối tiếp dẫn cô đến hội những bà mẹ có con trầm cảm trên Facebook và nhận được nhiều lời khuyên từ một chuyên gia nhiều kinh nghiệm. Cô muốn đưa con về Hà Nội dự một khóa học để cải thiện tình hình nhưng không được sự đồng ý của bố mẹ chồng. Tình trạng của con bé ngày càng trầm trọng.
Thay vì tìm phương án chữa trị hiệu quả thì họ lại vấy vá đổ là bởi tại cô không thành tâm lễ tạ. Tình cảm vợ chồng cũng vì thế mà rạn nứt, trên bờ đổ vỡ. Cao trào của sự tranh đấu chữa trị cho con, Tài đứng về phía bố mẹ đánh cô thâm tím mặt mày, họ đuổi Sa tay trắng ra khỏi nhà, giật hai đứa con khỏi tay mẹ dù cô và Tài chưa ra tòa. Đến lượt Sa bị trầm cảm, cô hoảng loạn trong sự bất an. Gia đình chồng cô có thế lực nên chị gái và ông bà thông gia cũng không giúp được gì. Sa tìm sự tịnh tâm ở một ngôi chùa, cậy nhờ mái ấm dành cho Phật tử.
Vài tháng sau, khi tâm lý đã bình ổn hơn cô trở lại với quầy hàng nhỏ vừa mưu sinh vừa đệ đơn để giành lại Lan Chi. Dù không còn gì níu kéo ở mảnh đất này nhưng Sa sẽ chưa rời đi nếu như chưa nắm được tay đứa con gái bé bỏng. Chuyện của Sa cả thị trấn nhỏ đều biết, nhưng là biết thế nào thì biết, bản thân Sa chưa một lần thổ lộ với ai. Nhưng không hiểu sao, trong chuyến từ A Pa Chải về Mường Nhé hôm ấy, Sa đã kể cho Tô nghe. Tô cho cô lời khuyên, từ đó khi cần làm gì cô vẫn thường nhắn tin hỏi anh.
Dù dùng dằng, mùa đông đã thập thò bên những ngọn núi khắp dải biên cương.
Sa đang trải qua mùa đông lạnh nhất của cuộc đời mình.
Năm ấy đỉnh Khoan La San phủ đầy tuyết trắng. Sau mấy chục năm A Pa Chải mới lại có băng tuyết, vùng ngã ba biên giới mang sắc màu châu Âu lạ lẫm. Cánh lính trẻ trong đồn biên phòng khẩn khoản mượn smart phone “seo phi” vài bức làm kỷ niệm đời lính. Cảnh sắc đặc biệt ở xứ nhiệt đới này là đặc ân của những nơi thâm sơn cùng cốc, cho người ta những trải nghiệm không tưởng. Cả cánh rừng rung rinh trong tuyết trắng, từng nhành cây ngọn cỏ đóng băng ảo diệu. Đến chiếc xe máy của Tô cũng bám một lớp băng táp theo chiều gió khiến nó biến hình như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt. Tô đã gửi ảnh chụp chiếc xe qua Zalo cho Sa, đùa rằng muốn xuống chợ mà chờ mãi xe chưa rã đông.
Nhưng đặc ân nào cũng có cái giá của nó. Băng tan. Cả cánh rừng với những cây lá đầu cành bị bỏng lạnh chết đứng, lá rụng, cành khô quắt. Năm ấy cả rừng núi Khoan La San đón năm mới trong mùa xuân chết chóc. Khi hè sang, những cơn gió Lào ràn rạt thổi lay rụng xuống lớp thực bì dày sực, rồm rộm. Một ngày thần lửa vô tình ghé chơi và nhân tiện thể hiện sức mạnh ngự trị. Tô và đồng đội trong đồn dồn cả lên rừng dập lửa. Công an, bộ đội xanh, bộ đội đỏ, dân quân tập trung sức lực cả tuần chiến đấu với thần lửa. Cả sống lưng Khoan La San oằn oại như một con rồng lửa vật mình, khói bụi rợp một góc trời. Tiếng hoẵng be be thảm thiết. Tiếng nai rừng tác hoảng loạn thê lương.
Khói tan nhưng mọi thứ trở lại không còn như trước. Rừng trơ trọi những thương tổn đầu cành, chi chít vết gẫy rục thảm thương như những ngón tay bị bẻ ngang, tơ tướp và xơ xác. Khói tan, hiện thực khắc nghiệt phơi bày khi Tô sau chuyến về quê trở lại đơn vị. Vợ anh không thể chiến thắng những tháng ngày cách trở biền biệt đã tìm một lựa chọn mới. Tô về nơi ngã ba biên giới, lòng hoang hoải nhìn dãy Khoan La San trống hoác.
Ánh chiều hắt qua Cột mốc số 0, bên cạnh là bóng Tô cũng đổ dài vào đất A Pa Chải loang lổ những dải tro tàn. Hai chiếc bóng kéo vệt trên đất khét cháy tưởng như cũng đang chực chờ tan biến như một hư ảnh. Ô đất nơi phố huyện mà anh đã tích cóp bao năm để mua với dự định sum họp gia đình, nơi vợ anh sẽ ổn định với công việc dạy học, còn anh có thể mỗi cuối tuần từ đơn vị về nhà thay vì biền biệt nửa năm trời ngược xuôi tàu xe giờ đây bỗng trở nên thừa thãi.
***
Mùa xuân năm sau, từ những đầu cành cụt lủn nơi những ngọn xanh năm trước bị bỏng lạnh rụng xuống, những chồi non rụt rè nứt nhú cho một sự tái sinh dè dặt. Những non xanh như chắt chiu từ lớp muội tro dày sau trận cháy rừng lịch sử. Căn miếu thiêng gần ngôi mộ đá bên ngã ba biên giới, nơi Tô đã dẫn Sa đến mang theo một điều ước, bây giờ điều ước ấy đã trở thành hiện thực một nửa. Với sự trợ giúp pháp lý của Tô, tòa đã quyết định quyền nuôi con thuộc về Sa, một nửa còn lại là việc chữa trị để Lan Chi bình phục Sa đang quyết tâm thực hiện.
Hôm nay Tô dẫn Sa trở lại căn miếu với chút hương hoa lễ tạ. Sau khi làm lễ, họ đã lên Cột mốc số 0. Đây là nơi biết bao phượt thủ háo hức chinh phục, họ đã cất công vượt qua những cung đường Tây Bắc đến nơi tận cùng này để đứng bên điểm giao ngã ba biên giới phất cao lá cờ Tổ quốc như một biểu tượng bất khuất cố định trong những khuôn hình trước khi rời đi. Cột mốc số 0 ngự trên đỉnh Pu Đen Đinh của dãy Khoan La San với độ cao gần hai ngàn mét cũng là mái nhà của đất Mường Nhé. Nơi đây quá quen thuộc với Tô và đồng đội nhưng Tô chưa từng có một bức ảnh như thế, bởi đơn giản người ta không thể diễn lại những gì quá thân thuộc.
Ánh nắng mùa xuân trải dài dịu dàng vuốt ve dãy Khoan La San đang ngủ ngoan như một chú mèo. Bóng cột mốc và bóng Tô đổ dài như trôi theo chênh vênh sườn núi. Núi đồi sau trận cháy rừng trơ trọi quá. Sa đã đem theo lên đây những nhúm hạt dã quỳ, loài hoa dại mà cô yêu thích, sinh trưởng nhanh và có sức sống bất diệt.
Cô nhúm một nhúm hạt thả theo chiều gió với hy vọng nay mai, xung quanh cột mốc sẽ rợp một màu vàng, triền núi này sẽ được thắp sáng bởi ngàn vạn bông hoa xinh như những bàn tay nhỏ tỏa thứ hương thơm ngái. Sa đang chuẩn bị bước vào một hành trình mới cùng Lan Chi của cô. Cô đã nghĩ đến việc rời xa mảnh đất này, mảnh đất đem đến cho cô những nỗi buồn, sự tổn thương khiến trái tim cô xơ xác, nhưng bây giờ, trong ánh nắng xuân mát lành mọi thứ như đang lắng dịu.
Trước ngày Sa đưa Lan Chi về Hà Nội, Tô đã nói với cô về một căn nhà nhỏ sẽ xây trên mảnh đất của anh, nơi sẽ có cửa hàng mang tên cô với ngành hàng mà cô đang gắn bó. Đề xuất của Tô không quá bất ngờ nhưng Sa vẫn thấy dâng lên một cảm giác như là hoang mang. Có lẽ đó là phản ứng của con chim vừa dẫm phải cành cây cong. Cô cần thêm thời gian để lắng nghe cảm xúc của mình, và trên hết, lúc này cô muốn dành sự quan tâm tuyệt đối cho con gái.
Trên chuyến xe giường nằm về Hà Nội, giữa cơn tỉnh thức mơ màng, Sa thấy hiện ra một vùng ngã ba biên giới phủ kín hoa dã quỳ trải dài từ đỉnh Pu Đen Đinh xuống thung lũng, trên tấm thảm dệt bằng những mặt trời nhỏ xinh bất tận ấy, bóng cô và bóng Tô nhảy múa rung rinh. Giữa vùng ngã ba biên giới có hai bóng người bé nhỏ lặng lẽ như hai nốt nhạc giữa Khoan La San đầy gió…