Sáng 4-8, UBND TPHCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp tháng 8-2022. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì phiên họp.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, kinh tế TPHCM tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 282.900 tỷ đồng, đạt 73,2% dự toán năm, tăng 20,01% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi ngân sách mới chỉ đạt 33,19%; chi đầu tư phát triển mới đạt 16,02% dự toán.
Hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi động khi khách du lịch quay lại. Khách du lịch nội địa đến TPHCM tăng 71,73% so với cùng kỳ; khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 17,7% so với cùng kỳ.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, thì tình hình kinh tế - xã hội TPHCM trong các tháng qua cũng còn những hạn chế. Chỉ số cải cách hành chính của TPHCM năm 2021 tụt hạng. Khả năng hấp thụ vốn của nhiều lĩnh vực còn thấp, chưa đạt kế hoạch theo yêu cầu; một phần do những vướng mắc, cản trở về thể chế, chính sách nói chung, mặt khác, môi trường đầu tư còn chưa hấp dẫn, trong đó có nguyên nhân chủ quan từ phía đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, nhất là trong phối họp giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, tài sản công còn mất nhiêu thời gian. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, tính đến hết tháng 7 mới đạt 26% kế hoạch năm.
Chủ trì phiên họp, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị lãnh đạo các sở ngành tham dự tập trung phân tích về tỷ lệ giải ngân “rất thấp” 7 tháng đầu năm. “Thu ngân sách rất khả quan, nhưng chi đầu tư công rất đáng lo. Nếu không tháo gỡ được, giải ngân chậm thì không dẫn dắt được đầu tư xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển chung”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh và đề nghị thảo luận thêm về công tác cải cách hành chính, sự phối hợp giữa các quận huyện với sở ngành, công tác quy hoạch.
Giải ngân thấp – nút thắt ở đâu?
Nhiều ý kiến tại phiên họp đã tập trung làm rõ những nút thắt dẫn tới tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp trong những tháng đầu năm.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho Bạc nhà nước TPHCM, cho biết, giải ngân chậm rơi vào các dự án bố trí vốn lớn trên 200 tỷ đồng, nhưng giải ngân dưới 10%. Ông dẫn chứng nhiều dự án của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp: Dự án xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng Thành phố được bố trí vốn 1.000 tỷ đồng từ năm 2019. Nhưng do trục trặc hồ sơ, mà đến nay công trình đã nghiệm thu đưa vào sử dụng 3 năm vẫn chưa được bố trí vốn. Dự án cụm kinh tế Tân Kiên ở huyện Bình Chánh được bố trí 277 tỷ đồng chưa giải ngân được. Sở QH-KT có công trình Trung tâm triển lãm quy hoạch TPHCM 350 tỷ đồng; dự án Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng chưa giải ngân được.
Bên cạnh các dự án giải ngân 0% như trên, ông Nguyễn Hoàng Hải cũng chỉ ra nhiều dự án giải ngân dưới 10%, như: Công trình hầm chui nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh bố trí 200 tỷ đồng, mới giải ngân được 9,3 tỷ đồng, đạt dưới 5%; xây dựng nút giao thông An Phú bố trí 375 tỷ đồng, giải ngân 14 tỷ đồng, đạt 4%. Dự án vệ sinh môi trường TP giai đoạn 1 bố trí 1.990 tỷ đồng, giải ngân được 73 tỷ đồng, đạt 4%. Dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường Kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên bố trí 1.039 tỷ đồng hay dự án metro tuyến số 2 cũng giải ngân rất thấp.
“Hàng tháng, hàng quý, Kho bạc đều gửi văn bản tới các chủ đầu tư để đôn đốc chủ đầu tư gửi hồ sơ dự án. Theo quy chế làm việc mà UBND TPHCM đã thông qua, trong 4 ngày làm việc kể từ ngày nghiệm thu, chủ đầu tư phải hoàn tất hồ sơ gửi Kho bạc. Nhưng văn bản đôn đốc gửi đi, mà hồ sơ gửi đến Kho bạc rất ít”, ông Hải nói và khẳng định hiện tất cả hồ sơ được gửi tới, Kho bạc đều giải quyết đúng hạn 100%.
Cũng liên quan giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Kho bạc TPHCM cũng nêu một vấn đề cần lưu tâm, là số dư tạm ứng hiện lên tới hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó 1.400 tỷ là tạm ứng quá hạn. Hàng quý Kho bạc cũng có công văn nhắc nhở các chủ đầu tư, nhưng hiện xử lý khoản này rất khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trong khi đó, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu cho biết, qua các cuộc giám sát mà Ban Kinh tế ngân sách thực hiện, cho thấy TPHCM đã tập trung bố trí vốn cho các dự án, nhưng nhiều dự án lại không có đủ điều kiện triển khai nên không giải ngân được. Trong khi các dự án đã được thông qua đều có ý nghĩa nhất định.
Ông cũng nêu thêm một thực tế, khi TPHCM tổ chức chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND quận nữa thì các dự án mà HĐND 16 quận đã thông qua bị ách tắc, không còn nguồn vốn để thực hiện. Trong khi đó là những dự án có quy mô không lớn, sát thực tiễn, có khả năng thực hiện cao nhất.
“Đề nghị các quận rà soát lại, báo cáo về UBND TPHCM các dự án mà HĐND quận đã thông qua trước đây, để UBND TPHCM ưu tiên vốn bố trí thực hiện”, ông Lê Trương Hải Hiếu nói.
Công tác giải ngân chậm có phần nguyên nhân do công tác giải phóng mặt bằng chậm. Phó Giám đốc Sở TN-MT Trần Văn Bảy lý giải nguyên nhân chậm trễ trong công tác thẩm định giá bồi thường.
Ông cho biết, từ năm 2021 đến nay Sở TN-MT đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết thẩm định giá. Đến nay đã giải quyết tất cả các hồ sơ thẩm định giá quận huyện chuyển về. 7 tháng đầu năm đã thông qua được 52 dự án về giá bồi thường, không còn hồ sơ tồn đọng. “Vậy thì tắc ở khâu nào? Qua rà soát, Sở TN-MT thấy tắc ở khâu các quận huyện”, ông Trần Văn Bảy thông tin.
Phó Giám đốc Sở TN-MT cũng cho biết thêm, thậm chí Sở TN-MT phải tự rà soát các dự án đầu tư công của quận huyện và nhắc quận huyện khẩn trương trình hồ sơ thẩm định giá. Pháp lý dự án hoàn thiện rất chậm, khi đó không thể trình được hồ sơ. Quận huyện thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá cũng rất khó khăn. Do việc này thù lao không nhiều mà trách nhiệm rất lớn, nên các đơn vị không mặn mà tham gia.
Đặc biệt, ở những địa phương mà người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo thì việc này mới “chạy” nhanh. Theo ông Trần Văn Bảy, nhiều quận huyện đang làm việc này rất chậm, hồ sơ cũng không hoàn thiện nên sở phải trả tới trả lui rất mất thời gian. Và sau khi đã có phê duyệt giá rồi thì lẽ ra quận huyện phải chuẩn bị trước để chi trả cho người dân, thì nhiều nơi bị chậm trễ đến nửa năm 1 năm, dẫn tới giá lạc hậu, người dân phản ứng. Lúc này cũng không có cơ sở pháp lý để thẩm định lại.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá, kinh tế - xã hội tháng 7 của TPHCM tiếp tục đà phục hồi của 6 tháng đầu năm, cho thấy TPHCM đang đi đúng kịch bản và gần chạm trạng thái trước dịch, là tín hiệu đáng mừng. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Nổi lên những vấn đề đáng lo, cần tập trung giải quyết. Ảnh: VIỆT DŨNG Tuy vậy, theo đồng chí, bên cạnh kết quả đáng mừng cũng nổi lên những vấn đề đáng lo, cần tập trung giải quyết. Đó là vấn đề năng lực tiếp nhận, phối hợp, xử lý các vấn đề để công việc chạy nhanh hơn, thông suốt hơn, hiệu quả hơn. Theo đồng chí: “Một mặt do sau dịch, kinh tế xã hội phục hồi mạnh mẽ nên công việc nhiều, nhưng phải thấy yếu tố khác nữa. Đó là tinh thần trách nhiệm, chủ động rà soát công việc, phối hợp, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn giải quyết công việc”. Trong các tháng cuối năm, đồng chí yêu cầu các quận huyện, TP Thủ Đức và các sở ban ngành tập trung kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời chuẩn bị kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2023 để báo cáo trung ương. Đặc biệt, trong tháng 8 phải hoàn thiện công tác tham mưu tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Hiện TPHCM đã có dự thảo lần 1 và tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo. TPHCM sẽ trình Bộ Chính trị trong tháng 8 để Bộ Chính trị cho ý kiến trong tháng 9 và sau đó Quốc hội tổng kết vào kỳ họp tháng 10 năm nay. Về các công việc cụ thể của các sở ngành, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu Sở Nội vụ chủ trì, tập trung hơn nữa cho công tác cải cách hành chính này, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Sở KH-ĐT cần tập trung quyết liệt giải pháp đấy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Sở Tài chính trong tháng 8 tập trung cho đề án quản lý sử dụng hiệu quả tài sản công; rà soát điều chỉnh quỹ tài chính ngoài ngân sách; thực hiện các kết luận của kiểm toán; thu chi, thanh toán liên quan đến Thủ Thiêm và một số nhiệm vụ khác. Sở Xây dựng được Chủ tịch UBND TPHCM giao tập trung giải quyết phần còn lại của dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, để cuối năm 2022 cơ bản hoàn thành. Đồng thời nghiên cứu hoàn thiện đề xuất về dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm – dự án có ý nghĩa lớn với TPHCM… |