Hơn 2 năm từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chịu nhiều ảnh hưởng. Sân khấu ngưng trệ, rạp chiếu phim đóng cửa, các loại hình biểu diễn cũng phải tạm dừng thời gian dài. Ngắt quãng trong thời gian đó, một số hoạt động được khôi phục rồi tạm ngưng, thậm chí kéo dài hơn nửa năm như thời điểm dịch bùng phát lần thứ 4 tại TPHCM từ giữa năm 2021.
Một câu hỏi mà không chỉ những người làm nghề đặt ra: khi nào các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật thực sự hồi phục và quay về trạng thái giống như trước khi có dịch? Đã có những dự đoán, thời gian có thể kéo dài hàng năm, thậm chí có lĩnh vực phải mất vài năm mới khôi phục được hoàn toàn.
Trước thời điểm Tết Nhâm Dần 2022, hơn khi nào hết, những mong mỏi ấy càng lớn hơn. Lý do, đây luôn là thời điểm “vàng” với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật: rạp chiếu phim, sân khấu, rạp xiếc, các tụ điểm văn hóa… thường thu hút lượng lớn công chúng. Mong đợi là thế nhưng bản thân người làm nghệ thuật không dám đặt quá nhiều kỳ vọng vì tất cả đều phụ thuộc diễn biến của tình hình dịch bệnh.
Vậy nên, khi mùa phim tết không có phim nào doanh thu cán mốc 100 tỷ đồng sau 10 ngày công chiếu hay các sân khấu không cháy vé, đều đã được dự báo trước. Không ít người còn bi quan cho rằng khán giả, công chúng sau một thời gian quá dài giãn cách xã hội, nên tâm lý, thói quen và cả tình hình tài chính đã khác trước. Người làm nghệ thuật đón nhận nó như một điều tất yếu dù cũng lắm nỗi niềm và sự chạnh lòng.
Nhưng, nói như thế không có nghĩa thị trường toàn sự bi quan. Thực tế, sự hồi phục của nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật không còn là câu chuyện niềm tin ở thì tương lai mà đã và đang diễn ra trong thực tại. Một đạo diễn có phim ở mùa phim Tết Nhâm Dần 2022 từng cảm thán về việc khán giả thờ ơ với rạp phim nhưng rồi cũng thừa nhận “thói quen ra rạp xem phim ngày tết vẫn không đổi” khi thị trường ấm dần lên.
Bằng chứng càng rõ nét hơn khi các phim ra mắt sau tết chứng kiến cảnh cháy vé, khán giả nô nức trở lại rạp. Càng vui hơn khi rạp chiếu phim tại thị trường Hà Nội được mở cửa trở lại từ ngày 10-2. Trước đó, ngay trong những ngày tết, loại hình nghệ thuật vốn kén khán giả như kịch xiếc đã chứng kiến hàng dài khán giả xếp hàng mua vé - một hình ảnh rất đẹp. Đã có những giọt nước mắt từ cánh gà khi chứng kiến khán giả kín suất diễn của các vở kịch. Đó là giọt nước mắt của niềm hạnh phúc khi được cống hiến cho công chúng và được đón nhận.
Dù số liệu thống kê cho thấy, lượng khán giả chỉ bằng 40%-50% trước khi có dịch, nhưng đó vẫn là những con số trao niềm tin. Các loại hình giải trí có thể không được xếp vào nhu cầu thiết yếu giữa bộn bề nỗi lo của cơm - áo - gạo - tiền sau dịch bệnh. Nhưng công chúng sau những căng thẳng, vất vả với nỗi lo dịch bệnh, giờ đang dần quay lại tìm kiếm những món ăn tinh thần hấp dẫn. Đó là điểm tựa quan trọng để những người làm nghệ thuật hy vọng, tiếp tục sáng tạo cho khán giả, vì khán giả.
Khấp khởi trong niềm vui ấy, ngay ở thời điểm hiện tại, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật còn rất nhiều điều để làm. Nhìn ở khía cạnh tích cực, thời gian ngưng trệ cũng là giai đoạn quá độ để bản thân mỗi người làm nghệ thuật trong từng lĩnh vực tự nhìn lại, suy ngẫm và đánh giá chính mình. Nhu cầu, thói quen thưởng thức văn hóa, nghệ thuật, nhất là trong bối cảnh số hóa hiện nay, đặt ra nhiều thách thức.
Cuộc cạnh tranh giờ đã mang tính toàn cầu, ngày càng khốc liệt trong việc thu hút, giữ chân khán giả. Khi có nhiều hơn sự lựa chọn, tất yếu công chúng - với tính cá nhân hóa ngày càng cao, sẽ chọn những gì chất lượng, phù hợp nhất với nhu cầu của họ. Quyền đòi hỏi đó hoàn toàn chính đáng.
Lúc đó, những thương hiệu từng là đình đám trong quá khứ, như: sân khấu tết, phim tết, kịch tết… cũng chỉ là dĩ vãng nếu giậm chân tại chỗ. Suy cho cùng, yếu tố tiên quyết nằm ở chất lượng và tạo được sợi dây đồng cảm với công chúng.