Ngày 24-3, tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Phòng chống lao quốc gia đã kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao (24-3) năm 2023 với chủ đề “Đúng, chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao”.
Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin, Việt Nam xếp thứ 11/30 quốc gia có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới. Trong 2 năm gần đây, Việt Nam phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng, khi số người mắc và tử vong vì bệnh lao đang tăng trở lại. Chỉ riêng năm 2021, cả nước có tới 169.000 người mắc bệnh và 12.000 ca tử vong. Do hơn 70% người mắc lao đang ở trong độ tuổi lao động nên căn bệnh này ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế - xã hội của đất nước.
Thời gian tới, Bộ Y tế, Chương trình Phòng chống lao quốc gia sẽ tăng cường vận động để nhận được sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị hỗ trợ công tác phòng chống lao, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới phòng chống lao từ trung ương tới địa phương. Đồng thời, huy động sự hưởng ứng của cả cộng đồng với công tác phòng chống lao, tăng cường tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế, nâng cao nhận thức của người dân, giảm mặc cảm khi mắc bệnh lao hoặc kỳ thị người bị bệnh lao.
Trong khi đó, TS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban Điều hành Chương trình Phòng chống lao quốc gia, cho biết, trong 2 năm diễn ra dịch Covid-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao được phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.