Đây là lần đầu tiên lễ hội được tổ chức, do Hiệp hội Du lịch TPHCM phối hợp cùng Sở Du lịch TPHCM triển khai từ ngày 30-3 đến 2-4, tại Nhà Văn hóa Thanh Niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1).
Hàng trăm loại bánh mì, với các hương vị khác nhau đã hội tụ tại lễ hội. Chẳng hạn như, bánh mì miền Bắc thường ăn kèm chả lụa, thịt heo quay; ở miền Nam, bánh mì ăn kèm thịt nguội, pate; còn miền Trung, bánh mì ăn kèm chả cá, nem chua…
Khách xếp hàng mua bánh, tìm hiểu về cách phối hợp các loại nhân, gia vị ăn kèm... |
Khoảng 120 gian hàng đã tham gia lễ hội, với hàng loạt thương hiệu như Nguyên Sinh (Trần Đình Xu, quận 1), Bảy Hổ (Huỳnh Khương Ninh, quận 1), bánh mì Chay Ngon Hùng Phát (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi)…
Mặc dù là buổi bế mạc, nhưng hơn 8 giờ tối ngày 2-4, số lượng người dân, du khách đổ về các gian hàng vẫn rất đông. Theo chị Nguyễn Thị Lan, ngụ tại Lê Quang Định (quận Bình Thạnh), được nếm thử nhiều thương hiệu bánh mì nổi tiếng trong không gian lễ hội rất thú vị.
Khách quốc tế mua bánh mì Chay Ngon Hùng Phát tại lễ hội |
Ông Lê Quang Phát, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất trà Hùng Phát (thương hiệu bánh mì Chay Ngon Hùng Phát trực thuộc công ty này), cho biết, lượng khách ghé tham quan, mua bánh mì tại gian hàng đông nghẹt so với dự tính ban đầu. Mỗi ngày, quầy bán ra được hơn 500 ổ cho khách hàng.
Còn chủ thương hiệu bánh mì Nguyên Sinh cho hay, bình quân mỗi ngày cửa tiệm bán ra khoảng 1.000 ổ. Hầu hết đại diện các gian hàng đều thừa nhận, sức hút quá lớn của lễ hội, với số lượng khách đến đông nghẹt, chen lấn nhau…
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing TSTtourist đánh giá, đây là sự kiện mang chiều sâu lịch sử, quá trình giao lưu tiếp biến văn hoá, bản lĩnh và sự sáng tạo trong văn hóa ẩm thực.
Hàng trăm loại bánh mì khác nhau được giới thiệu đến khách tham quan |
Thêm nữa bánh mì là niềm tự hào rất Việt Nam, mang dấu ấn của nhiều vùng miền trong đó bánh mì Sài Gòn nổi trội hơn hết bởi sự đa dạng trong chế biến cùng sự tồn tại lâu đời của nhiều thương hiệu trứ danh. Người dân, du khách đến rất đông, đặc biệt là sự hào hứng đón nhận của khách quốc tế.
“Như vậy hoàn toàn có cơ sở để Lễ hội bánh mì Việt Nam trở thành sự kiện thu hút khách quốc tế đến để tận hưởng không gian văn hoá ẩm thực bản địa. Tất nhiên, để đáp ứng điều này cần phải có sự chuẩn bị dài ngày hơn ”, ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết.