Trong năm học này, giáo dục Mầm non có 5.517.000 em (nhà trẻ 932.000; mẫu giáo 4.585.000); giáo dục phổ thông có 17.055.000 học sinh (tiểu học 8.660.000; trung học cơ sở 5.550.000; trung học phổ thông có 2.599.000 học sinh); hệ đại học (chính quy) có 1.518.986 sinh viên.
Năm học 2019 – 2020 cũng được coi là năm bản lề triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Theo lộ trình, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai theo hình thức cuốn chiếu từ năm học 2020 - 2021, bắt đầu từ lớp 1.
Bộ GD-ĐT cho hay, trước khi vào năm học 2020 - 2021, tất cả giáo viên lớp 1 và hiệu trưởng các trường tiểu học sẽ được bồi dưỡng về chương trình giáo dục phổ thông mới và các chuyên đề cốt lõi của chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông để sẵn sàng cho việc triển khai chương trình bắt đầu từ năm học 2020 - 2021 với lớp 1. Song song với đó, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới cũng được Bộ GD - ĐT tích cực thực hiện…
Trong không khí cả nước chào đón hơn 24 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới, sáng 5-9, tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự lễ khai giảng của Trường THPT Sơn Tây. Đây cũng là năm học thứ 60 của trường.
Gióng hồi trống khai giảng năm học mới, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi ân cần đến các thầy giáo, cô giáo, học sinh và lời chúc Trường THPT Sơn Tây có một năm học mới thành công.
Thủ tướng khẳng định, giáo dục và đào tạo luôn nhận được sự quan tâm, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và thời gian qua, ngành đã đạt nhiều thành tích, không ngừng đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương.
Trường THPT Sơn Tây có 1.558 học sinh, trong đó có 806 học sinh giỏi toàn diện, chiếm tỷ lệ 51,7%. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, trường có 99,79% học sinh đỗ tốt nghiệp. Trường có 2 cô giáo đang theo học tiến sĩ, gần 50 thầy cô giáo có tình độ thạc sĩ. Nhiều năm qua, nhà trường giữ vững an ninh, trật tự, không có tệ nạn xã hội, không có học sinh vi phạm pháp luật, tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, khá là 100%. |
Thủ tướng gửi lời chúc và cũng là mong muốn các thầy giáo, cô giáo của Trường THPT Sơn Tây nói riêng, thầy cô cả nước tâm huyết hơn nữa với nghề nghiệp, giữ vững phẩm chất đạo đức nhà giáo, không ngừng nỗ lực rèn luyện vươn lên thực hiện tốt sự nghiệp đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo.
* Cũng trong sáng 5-9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác của Quốc hội, cùng lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đến dự lễ khai giảng năm học mới 2019- 2020, ở Trường THPT Tháp Mười (huyện Tháp Mười).
Thay mặt nhà trường, thầy Lê Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười cho biết, Trường có 43 năm xây dựng và phát triển, một ngôi trường có bề dày thành tích với nhiều phần thưởng cao quý. Chất lượng giáo dục của nhà trường liên tục được nâng lên trên 98% học sinh lên lớp thẳng, tỷ lệ học sinh khá giỏi đạt 83%; hạnh kiểm trên 99% xếp loại khá tốt. Kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp; tỷ lệ đỗ vào các trường đại học đợt 1 đạt 69,29%. Năm học 2019 – 2020, nhà trường đón thêm 449 em học sinh vừa trúng tuyển vào lớp 10; do đó thầy và trò Trường THPT Tháp Mười quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học mới, nhằm xứng danh là học sinh đất sen hồng tự lực, tự tin, biết phản biện, gắn kết thực tiễn, định hướng tương lai…
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, những năm học qua, ngành GD-ĐT cả nước, trong đó có tỉnh Đồng Tháp đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đạt được những kết quả tích cực, tiếp tục phát triển cả về quy mô, chất lượng, nội dung, phương pháp giáo dục, cũng như xây dựng được đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp GD-ĐT. Cơ sở vật chất, thiết bị ngày càng được cải thiện. Với kết quả đạt được trong năm học 2018 - 2019, ngành GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp là một trong 7 đơn vị của cả nước được Bộ GD-ĐT tặng Cờ đơn vị xuất sắc có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.
Trường THPT Tháp Mười - ngôi trường giữa trung tâm Đồng Tháp Mười, với truyền thống 43 năm “Dạy tốt, học tốt”, với các thế hệ thầy giáo, cô giáo có bề dày kinh nghiệm và sự cống hiến tận tụy cho ngành giáo dục; hàng chục ngàn học sinh đã được đào tạo, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Trong số học sinh đã trưởng thành từ mái trường này, có những cựu học sinh ưu tú của nhà trường đã trở thành lãnh đạo của Trung ương, cũng như lãnh đạo của địa phương Đồng Tháp… |
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác đến thăm Khu di tích Gò Tháp - di tích quốc gia đặc biệt (thuộc huyện Tháp Mười).
Sáng 5-9, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tới dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (TP Thanh Hóa). Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh trống khai trường tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (TP Thanh Hóa) Tại huyện miền núi - biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), do mưa lớn gây chia cắt cục bộ nên một số trường không khai giảng được đúng kế hoạch. Bước vào năm học mới, huyện Mường Lát còn thiếu gần 500 bộ bàn ghế cho học sinh. Tại bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) nơi trận lũ quét kinh hoàng mới xảy ra, việc tổ chức khai giảng cho 71 em học sinh vẫn được diễn ra đúng lịch. Sau trận lũ, 4 phòng học lắp ghép đã được dựng lên để phục vụ học sinh cấp tiểu học ở bản Son và bản Sa Ná. Tuy nhiên, do trời mưa nên các em được đưa về điểm trường chính ở trung tâm xã để khai giảng chung. Trong lễ khai giảng, thầy cô và học trò đã nhắc lại trận lũ lịch sử ngày 3-8 vừa qua khiến 10 người chết và mất tích, trong đó có 2 học sinh lớp 2 và lớp 4. Tại Nghệ An, do mưa lớn gây ngập lụt nhiều nơi nên có 135 trường phải lùi ngày khai giảng lại. |
Sáng 5-9, tại TPHCM, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã đến dự lễ khai giảng ở Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3).
Dẫn chứng kinh nghiệm phát triển đất nước của Singapore, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Singapore là đất nước có diện tích và dân số xếp thứ hạng hơn 100 trên thế giới, tuy nhiên nền kinh tế lại đứng thứ 37 thế giới, và đáng nói hơn, thu nhập bình quân trên đầu người đứng thứ 9 trên thế giới.
"Có được kết quả đáng ngưỡng mộ này là do đất nước họ quan tâm chỉ số phát triển con người. Từ đó, bài học rút ra cho Việt Nam là muốn phát triển đất nước không chỉ trông cậy vào điều kiện đất đai, dân số mà phải quan tâm chất lượng con người, cần đào tạo cho được đội ngũ nhân lực có chất lượng cao, chú trọng phát triển con người bền vững", đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phân tích.
Bên cạnh đó, đồng chí Bí thư cũng gửi lời nhắn nhủ đến các em học sinh, những mầm non tương lai của đất nước, dù tình hình đất nước còn nhiều khó khăn nhưng các em có thể tự hào về bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa nghĩa tình của dân tộc. Qua đó, đồng chí dặn dò các em phải xác định mục tiêu học để làm người công dân Việt Nam tốt, có khả năng hội nhập quốc tế; học để làm người con hiếu thảo, có trách nhiệm, biết xây dựng gia đình hạnh phúc; học để có nghề hiệu quả, nuôi mình và gia đình; học để đóng góp xây dựng TP và đất nước.
Riêng với em Lê Minh, học sinh lớp 12A2, năm học 2019-2020 được xem là bước ngoặt quan trọng, có dấu ấn đặc biệt trong quá trình nỗ lực 12 năm đèn sách của em. "Em biết mình cần phải làm gì trong năm học cuối cấp. Ngoài ra, bên cạnh việc học tập, em cũng xác định cho mình tư duy sống mới và hiện đại, biết kết hợp nhịp nhàng kỹ năng học tập và các kỹ năng xã hội để phát triển tương lai sau này", Minh chia sẻ.
* Sáng nay 5-9, học sinh Thừa Thiên – Huế dù ngày đầu tiên đến lớp hay chuẩn bị cho năm cuối dưới mái trường phổ thông đều nhận được bức thư ngỏ của ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh này. Ông không đứng ở vị thế người đứng đầu tỉnh, mà hoà nhập vào tình cảm gia đình các em học sinh để bày tỏ tư tưởng và tình cảm của mình.
Mở đầu bức thư, với tình cảm hết sức gần gũi, tâm tình, ông Phan Ngọc Thọ đã hòa chung niềm vui với từng học sinh trong ngày khai giảng năm học mới: "Những ngày hè cuối cùng dần qua, các em đang bước vào năm học mới. Một khởi đầu đang chờ đón các em, dù là ngày đầu tiên đến lớp hay chuẩn bị cho năm cuối dưới mái trường phổ thông. Hãy tự tin các em nhé!". Đồng thời, không quên gửi lời cảm ơn đến các phụ huynh và quý thầy cô giáo: “Tôi xin chúc mừng và cảm ơn các bậc phụ huynh, quý thầy cô đã sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ cho xã hội một thế hệ học sinh có kiến thức, năng động và trách nhiệm”.
Trọng tâm bức thư, ông Phan Ngọc Thọ không chỉ khuyên nhủ học sinh tu dưỡng đạo đức, gắng công học tập cho được giỏi giang, mà hơn thế nữa, ông mong các em học sinh nỗ lực trau dồi kỹ năng sống, có thể chất tốt, giỏi ngoại ngữ, thành thạo công nghệ thông tin, giàu lòng vị tha, thích nghi với đổi mới, khát khao cống hiến đang đòi hỏi sự nỗ lực học tập không ngừng của các em và sự quan tâm của xã hội. Ông kêu gọi phụ huynh, giáo viên và các cấp chính quyền: "Hãy cùng các em dựng xây, vun đắp vườn ươm Giấc mơ Huế để nâng cánh ước mơ với tình yêu và khát vọng mãnh liệt vì một Huế yên bình, hạnh phúc và phát triển".
Ông Phan Ngọc Thọ đề cao sứ mệnh của người thầy giáo nhưng lại không quên nhắc nhở về nghĩa vụ thiêng liêng của người thầy trong việc giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống của giáo dục Huế luôn lấy “Tiên học lễ, hậu học văn” làm mục tiêu.
“Chúng ta tự hào về cốt cách nho nhã, thanh lịch trong mỗi người Huế tạo nên bản sắc, nền tảng phát triển giáo dục… Giáo dục truyền thống quê hương, đất nước để các em có quyền tự hào về lịch sử, con người và văn hóa Huế, để các em hướng về cội nguồn, tổ tiên, cốt cách Huế. Từ đó vun đắp, củng cố bản sắc văn hóa, bồi đắp tinh thần dân tộc, khơi dậy lòng tự hào, khát khao cống hiến vì một Huế hạnh phúc”, Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh.