Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Việt Nam vẫn đang gặp những thách thức trong việc giảm sự chênh lệch đáng kể về tình trạng sức khỏe, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc. Việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu vùng xa gặp rất nhiều khó khăn.
Trong hoàn cảnh đó, cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn là một giải pháp tạm thời nhưng rất hiệu quả nhằm giúp gỡ bỏ những rào cản về địa lý, văn hóa và kinh tế khiến cho phụ nữ người dân tộc thiểu số không thể tiếp cận được tới các dịch vụ khám thai, đỡ đẻ an toàn và chăm sóc sau sinh.
Mặc dù đã có nhiều quyết sách quan trọng để duy trì, củng cố và phát triển đội ngũ cô đỡ thôn bản nhưng việc thực thi các chính sách còn có sự khác nhau giữa các địa phương, dẫn tới việc duy trì hoạt động của đội ngũ cô đỡ thôn bản gặp nhiều khó khăn, nhiều địa phương không bố trí kinh phí hỗ trợ cho cô đỡ thôn bản hoạt động.
Theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 31-1, đã có 1.528 cô đỡ thôn bản được đào tạo nhưng đã ngừng hoạt động do không có kinh phí.
Theo ông Y Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, điều tra thống kê thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy, khoảng 12% phụ nữ dân tộc thiểu số mang thai không đến các cơ sở y tế khám thai lần thứ nhất (tỷ lệ này rất cao ở dân tộc La Hủ 54,7%, La ha 36,5%, Mảng 34,1%); 13,6% phụ nữ không sinh con tại cơ sở y tế và 3,9% sinh con tại nhà có cán bộ chuyên môn đỡ. Tỷ suất chết trẻ em dân tộc thiểu số dưới 1 tuổi là 2,2% (cá biệt dân tộc La Hủ 6,6%, dân tộc Lự 5,9%, dân tộc Si La 5,1%).
"Đội ngũ cô đỡ thôn bản đã ngày đêm không quản nắng mưa, đi từng ngõ, gặp từng nhà, tuyên truyền vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ dân tộc thiểu số trong quá trình mang thai, sinh nở, chăm sóc trẻ em, hạn chế tai biến không đáng có, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong mẹ, trẻ em", ông Y Thông nói.