Hà Nội là nơi có thí sinh dự thi đông nhất cả nước. Chiều nay, hơn 102.000 thí sinh đã đến 4.300 phòng thi để làm thủ tục dự thi tốt nghiệp. Thời tiết mát mẻ, thí sinh đến trường thi với tâm trạng thoải mái. Theo ghi nhận của phóng viên, thí sinh đến sớm, muộn nhất 14 giờ đã có mặt ở phòng thi để nghe phổ biến quy chế thi.
Tại điểm thi Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội), Trưởng điểm thi Đinh Hữu Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ cho biết, có 20 phòng thi với 460 thí sinh dự thi ở 2 môn Toán, Văn; 304 thí sinh dự thi Ngoại ngữ; 330 thí sinh dự thi bài thi Khoa học tự nhiên; 130 thí sinh dự thi Khoa học xã hội.
Thí sinh làm thủ tục dự thi tại điểm thi Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: PHAN THẢO |
Điểm thi này có 2 phòng thi dự phòng, không có phòng thi chờ vì không có thí sinh tự do.
Đề thi cũng đã được chuyển về điểm thi vào lúc trước 14 giờ, được niêm phong, có an ninh canh giữ.
Theo Trưởng điểm thi, từ sáng 27-6, Ban lãnh đạo điểm thi đã họp với thanh tra Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hà Nội, phân công nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên Ban lãnh đạo điểm thi; họp với các cán cán bộ coi thi, phổ biến lại quy chế coi thi cho từng cán bộ coi thi. Các tình huống bất thường, phát sinh đều đã được lên kế hoạch dự phòng. Những gì trong thẩm quyền thì trưởng điểm thi sẽ xử lý, còn vượt thẩm quyền thì sẽ xin ý kiến Ban chỉ đạo thi cấp trên.
Trưởng điểm thi Đinh Hữu Lâm cho biết, dù đã tập huấn rất kỹ về công tác coi thi nhưng cũng khó lường vì các thiết bị công nghệ để gian lận thi cử ngày càng tinh vi, rất khó để phát hiện.
Thí sinh làm thủ tục dự thi tại Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chiều 27-6. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Thí sinh Trần Thảo Nguyên, dự thi tại điểm thi Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, đã được giám thị phổ biến quy chế thi, dặn dò trách nhiệm của thí sinh, các mức độ xử phạt nếu vi phạm quy chế thi. Thí sinh phải đến điểm thi đúng giờ, không được mang các vật dụng ngoài danh sách cho phép vào phòng thi. “Thí sinh chỉ được mang thẻ dự thi, căn cước công dân, bút, máy tính, đồng hồ đeo tay vào phòng thi, muốn mang chai nước phải bỏ nhãn”, thí sinh Trần Thảo Nguyên cho biết.
Thí sinh cũng được phát thẻ dự thi bản gốc để kiểm tra, đối soát thông tin.
Thí sinh làm thủ tục dự thi tại Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chiều 27-6. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Theo lịch của Bộ GD-ĐT, chiều 27-6, thí sinh đến các điểm thi để nghe phổ biến quy chế thi và kiểm tra lại toàn bộ thông tin dự thi, đính chính các sai sót (nếu có).
Thí sinh chính thức làm bài thi tốt nghiệp THPT trong 2 ngày 28 và 29-6.
Thí sinh phải làm 3 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, cùng bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).
Thí sinh Hà Nội làm thủ tục dự thi chiều 27-6. Ảnh VIẾT CHUNG |
Năm nay, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.024.063, trong đó thí sinh tự do 37.841, thí sinh chỉ xét tốt nghiệp là 47.769, thí sinh chỉ xét tuyển sinh đại học là 34.155, thí sinh xét tốt nghiệp và tuyển sinh là 943.340. Kỳ thi năm nay, cả nước có 2.273 điểm thi với 44.661 phòng thi.
Trong số thí sinh dự thi, có 323.187 em đăng ký thi bài thi Khoa học tự nhiên, chiếm 31,52% tổng số thí sinh; 566.921 thí sinh thi bài thi Khoa học xã hội, chiếm 55,30%.
Kỳ thi năm nay có khoảng 250.000 người tham gia công tác tổ chức thi.