Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 31, chiều 21-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 26 (tháng 8-2018) về việc đề nghị Chính phủ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật, nhưng có định hướng tập trung vào 11 nhóm vấn đề trọng tâm.
Chính phủ tiến hành lấy ý kiến nhân dân bằng nhiều hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể góp ý vào dự thảo Luật. Kết quả lấy ý kiến cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo Luật, với trên 1 triệu lượt ý kiến góp ý.
“Đa số ý kiến cho rằng dự thảo Luật được xây dựng công phu, về cơ bản đã thể chế hóa được các quan điểm, đường lối của Đảng (đặc biệt là Nghị quyết số 29-NQ/TW) và cụ thể hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013. Dự thảo Luật cũng đã kế thừa các quy định còn phù hợp và khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giáo dục 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009). Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, vẫn còn một số quy định trong dự thảo Luật có nội dung chưa rõ ràng, chưa hợp lý hoặc chưa giải quyết được triệt để các hạn chế, bất cập hiện nay của pháp luật giáo dục hiện hành”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu kết quả vắn tắt.
Trình bày Báo cáo một số ý kiến của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân của Chính phủ về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cũng khẳng định, các ý kiến góp ý của nhân dân được tổng hợp trong báo cáo về cơ bản đã đề cập tới hầu hết các nội dung cần sửa đổi trong Luật Giáo dục.
Ông Phan Thanh Bình phát biểu: “Qua báo cáo tổng hợp, đa số ý kiến của nhân dân đồng ý với các chính sách, quy định được đề xuất trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, tiếp thu cần dựa trên cơ sở khoa học giáo dục, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo phù hợp với thực tiễn Việt Nam để phục vụ việc sửa đổi Luật Giáo dục”.
"Chính phủ đã nhận được: Báo cáo của 53/63 Sở GDĐT với 812.591 ý kiến; 57 tổ chức công đoàn giáo dục các tỉnh, 20 trường đại học với 353.113 lượt người tham gia góp ý; 13 văn bản góp ý của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội - xã hội nghề nghiệp và hiệp hội; 195 Phiếu góp ý kiến của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; ý kiến góp ý tại 31 hội thảo, hội nghị, tọa đàm; khoảng 130 bài báo..." (Trích Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ) |