Ngày 4-9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM ban hành khuyến cáo quy trình xử lý ca mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh sởi tại trường học.
Theo đó, khi phát hiện học sinh có triệu chứng nghi mắc bệnh sởi cần cho học sinh mang khẩu trang, dừng các hoạt động tiếp xúc với người khác. Nhân viên phụ trách y tế trường học hoặc giáo viên tư vấn, hướng dẫn phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị. Trẻ mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải nghỉ học và cách ly y tế 7 ngày kể từ ngày phát ban. Song song đó, nhà trường cần thông báo ngay cho trạm y tế phường, xã, thị trấn để phối hợp xử lý.
Nhân viên phụ trách công tác y tế trường học rà soát những người tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh sởi (là những học sinh học chung trong 1 lớp học và những người có tiếp xúc trực tiếp), để xác định tiền sử tiêm chủng và hướng dẫn tiêm chủng kịp thời. Bên cạnh đó, cần vệ sinh, khử khuẩn lớp học. Trường hợp phát hiện học sinh mắc bệnh sởi tại nhà, phụ huynh cho học sinh nghỉ học, cách ly tại nhà 7 ngày từ ngày phát ban, thông báo ngay cho nhà trường để theo dõi các học sinh còn lại trong lớp.
Khi phát hiện ổ dịch sởi tại trường học cần giám sát, điều tra dịch tễ các trường hợp mắc, phân tích và báo cáo khẩn cấp về trung tâm y tế trên địa bàn. Theo dõi hàng ngày tình hình sức khỏe toàn bộ học sinh, giáo viên, cán bộ, công nhân viên để phát hiện trường hợp mắc mới cho đến khi ổ dịch chấm dứt. Thực hiện báo cáo ổ dịch hàng ngày cho ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp xã theo đúng quy định để xử lý kịp thời.
Học sinh, giáo viên, cán bộ, công nhân viên mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh sởi phải đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị, phải nghỉ học, nghỉ làm việc và cách ly y tế 7 ngày kể từ ngày phát ban.
Khử trùng bề mặt toàn bộ lớp học, nơi làm việc, nơi ở, bếp ăn tập thể có trường hợp mắc bệnh bằng biện pháp như: lau sàn nhà, bàn ghế, nắm đấm cửa, vật dụng đồ chơi, khu vệ sinh chung bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường hoặc dung dịch khử trùng có chứa Clo với nồng độ 0,5% Clo hoạt tính. Tăng cường thông khí, ánh sáng tự nhiên lớp học, nơi làm việc bằng cách mở cửa sổ, cửa ra vào.
Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, hiện hoạt động tiêm chủng vaccine sởi vẫn được duy trì tổ chức tại 22 quận, huyện, TP Thủ Đức và 6 bệnh viện tuyến thành phố, quận, huyện.
Sau 4 ngày triển khai chiến dịch (từ ngày 31-8 đến 4-9), toàn thành phố đã tiêm 16.907 trường hợp, trong đó có 115 trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao được tiêm tại bệnh viện và 27 nhân viên y tế.
Hôm nay (4-9), chiến dịch tiêm vaccine sởi sẽ tiếp tục diễn ra với 282 bàn tiêm tại 22 quận, huyện, TP Thủ Đức và 1 bệnh viện tuyến thành phố, cùng với số lượng trẻ dự kiến tiêm là 6.821 trẻ.
Dự kiến, chiến dịch tiêm vaccine sởi của thành phố sẽ đạt được mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho các em nhỏ trên toàn thành phố.