Bệnh nhân tăng dần
Bé Hồ Trương Khánh Th. (2 tuổi, tạm trú phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM) được mẹ đưa tới BV Nhi đồng 2, TPHCM thăm khám vào chiều 3-7 với các triệu chứng sốt, nổi ban trong miệng. Trước đó 3 ngày, mẹ bé nghĩ con bị nhiệt miệng nên không đưa bé đi BV mà chỉ điều trị ở nhà. Tuy nhiên, bệnh không thuyên giảm, bé Th. bắt đầu có dấu hiệu sốt cao, mệt mỏi, lừ đừ, tay chân nhức, nổi mụn ở miệng nhiều, không ăn được, mẹ bé mới vội đưa con đến BV. Tại đây, các bác sĩ cho biết bé Th. bị tay chân miệng ở thể nặng, phải điều trị cấp cứu.
Th.S-BS Nguyễn Đình Qui, phụ trách điều hành Khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2, cho biết, lũy tính từ ngày 1-5 đến hết ngày 3-7, BV ghi nhận 6.635 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó 40% là trẻ em thành phố (nội trú, xuất viện 579 ca), còn lại rải rác ở các tỉnh thành lân cận. Điều này chứng tỏ lượng bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng dần. Hầu hết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt nhiều ngày liên tục, kèm theo các mụn nước nổi đỏ ở tay, chân, thậm chí vết loét ở họng làm cản trở việc ăn uống của trẻ.
“Qua trao đổi với phụ huynh, tôi nhận thấy có không ít người vẫn còn ngộ nhận về căn bệnh này khi chăm sóc trẻ, khiến bệnh tình thêm trầm trọng”, BS Qui chia sẻ.
Cùng nhận định, Thầy thuốc ưu tú - BS-CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), cho biết thêm, thời gian qua, đơn vị tiếp nhận điều trị cho khoảng 100 ca bệnh tay chân miệng, gần 7% trẻ phải nhập viện điều trị. Bệnh tay chân miệng không phải là bệnh mới, nhưng do chủ quan nên nhiều phụ huynh khi thấy con nổi mụn nước, theo thói quen cũ đã sử dụng thuốc xanh Methylen (thuốc sát khuẩn bôi ngoài da), vô tình che lấp các dấu hiệu, dẫn đến việc chẩn đoán chậm trễ và khó theo dõi tình trạng bệnh.
Đặc biệt, một số gia đình còn bôi những loại cây cỏ, lá cây hoặc những loại thuốc trôi nổi không rõ thành phần dược, rất nguy hiểm cho trẻ. Một số người quan niệm rằng khi trẻ bị tay chân miệng thì nếu càng ủ trẻ, hạn chế tắm rửa, để trẻ ra ban nhiều thì sẽ càng mau lành. Nhưng đây là quan niệm hoàn toàn sai, bởi nếu ủ trẻ quá nhiều, trẻ sẽ bị nhiễm trùng da, để lại sẹo, trong khi chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng thì cần phải giữ cho các nốt ban thoáng mới có thể mau lành và không để lại sẹo.
Không được chủ quan
Theo Bộ Y tế, trên hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2022 đến nay cho thấy, cả nước đã ghi nhận gần 6.000 trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng, có 1 trường hợp tử vong. Bệnh chủ yếu xảy ra ở khu vực miền Nam và tập trung nhiều ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng, Cà Mau… Tại TPHCM, 95% trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở độ tuổi từ 1 đến 12. Số ca bệnh tăng ở cả nhóm bệnh nhi nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú, trong đó đáng báo động ở các quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Bình, huyện Hóc Môn và TP Thủ Đức (khu vực quận 9 cũ).
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, do virus đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ vì trẻ hay có thói quen cho tay vào miệng. Trẻ bị tay chân miệng có các biểu hiện như: sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông… Nếu không quan sát kỹ, có thể nhầm lẫn với các bệnh phát ban hay thủy đậu.
Đến nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị, và bệnh tay chân miệng chủ yếu được điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau do các vết loét gây nên và điều trị các biến chứng nếu có. Đối với trường hợp nhẹ, chỉ cần thuốc giảm đau, an thần; tuy nhiên, trẻ cần được theo dõi sát để xử trí kịp thời những biến chứng có thể xảy ra. Bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày, những nốt hồng ban sẽ lặn đi, không để lại sẹo; nhưng nếu nguyên nhân gây bệnh là do virus Entero 71 (tác nhân gây viêm não, tay chân miệng) thì có thể dẫn đến tử vong do biến chứng viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi… trong trường hợp không xử trí kịp thời.
Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám khi phát hiện các biểu hiện của bệnh. Nếu nhẹ sẽ được cho điều trị ngoại trú, tránh để diễn tiến nặng. Th.S-BS Nguyễn Đình Qui, phụ trách điều hành Khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2, lưu ý: “Đang trong kỳ nghỉ hè, trẻ rất dễ bị mắc bệnh tay chân miệng do tiếp xúc người mắc bệnh không có triệu chứng, thường là người lớn. Ở nhà, phụ huynh cần chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo toa bác sĩ kê: hạ sốt (thuốc Paracetamol liều 10-15mg/kg/lần uống, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ khi sốt lại), giảm đau, đa sinh tố; trẻ còn bú cần tiếp tục cho bú sữa mẹ; trẻ thường đau họng do vết loét có thể sử dụng thuốc tráng niêm mạc dạng sữa nhũ dịch (Phosphalugel hoặc Varogel, Trimafort… cho trẻ ngậm nuốt 1-2ml/lần) và cho trẻ tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu tiên của bệnh. Trẻ bị sốt thì phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ. Cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi đúng giấc và giữ nhà cửa thông thoáng”. |