Trẻ khuyết tật hào hứng học nghề

Học nghề đối với trẻ vốn không hề đơn giản, nhất là trẻ khuyết tật. Vậy mà ở các cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo trợ xã hội, các cô chú vẫn kiên nhẫn từng chút để hướng dẫn những đứa trẻ vốn chậm chạp, lóng ngóng và cả ngây ngô. Sản phẩm làm ra không cầu kỳ, sang trọng, nhưng chứa đựng tình yêu thương, sự kiên nhẫn của cả thầy, trò và những tấm lòng thơm thảo.
Em Trần Văn Hùng với sản phẩm hoa giả tự tay hoàn thành
Em Trần Văn Hùng với sản phẩm hoa giả tự tay hoàn thành

Tạo điều kiện hòa nhập

Khách đến thăm Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp (số 45 Nguyễn Văn Bảo, phường 4, quận Gò Vấp, TPHCM) luôn bị thu hút bởi chiếc tủ kính đặt trang trọng ở phòng khách. Đó là nơi trưng bày sản phẩm do chính tay các em đang được nuôi dưỡng tại trung tâm làm ra. Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc trung tâm, chia sẻ: “Trung tâm đang nuôi dưỡng 190 cháu, trong đó hơn 40 cháu bị não úng thủy, bại não, rối loạn cơ… chỉ nằm một chỗ; số còn lại mắc các bệnh bẩm sinh như tự kỷ, tật ở tay, chân, Down… Mặc dù phần đông các cháu đều phát triển không bình thường, nhưng một số cháu có nhận thức khá tốt, được trung tâm tạo điều kiện cho đi học văn hóa. Hiện tại có vài cháu đang học đại học, cao đẳng. Chúng tôi hy vọng các cháu sẽ có cơ hội hòa nhập tốt với cộng đồng. Việc dạy nghề cho các cháu được ấp ủ lâu nay, nhưng chưa có điều kiện triển khai. Cho đến cách đây hơn một năm, có nhà hảo tâm đặt vấn đề tổ chức dạy nghề miễn phí các cháu. Chúng tôi rất vui mừng và nỗ lực phối hợp tổ chức thực hiện”.

Hai chân em Trần Văn Hùng (20 tuổi) từ lúc vừa ra đời đã bị dị tật, bẻ ngoặt vào trong. Chiếc xe lăn là bạn đồng hành. Tuy vậy, may mắn là Hùng phát triển trí não khá tốt. Ngoài giờ học văn hóa, em tham gia học làm hoa giả, thêu tranh chữ thập. Em cho biết: “Con rất mê những môn học thủ công, cần sự tỉ mỉ này. Thầy cô và bạn bè đều nói con rất khéo tay. Lúc đầu, con chỉ dám nhận thêu tranh khổ nhỏ bằng bàn tay. Sau vài tháng, con đã có thể thêu những bức lớn hơn. Cũng như các bạn, tụi con rất vui và hạnh phúc khi sản phẩm tự tay mình làm ra được các nhà hảo tâm khen ngợi và mua làm kỷ niệm”. Hùng có một niềm tự hào nho nhỏ là sản phẩm em làm ra đều được trung tâm “đặt hàng” tặng các đoàn đến tham quan.

Vơi bớt nỗi đau thể xác

Ông Nguyễn Văn Chí, Chủ tịch Hội cứu trợ trẻ em tàn tật TPHCM, cho biết: “Hội có 16 chi hội trực thuộc, trong đó 23 chi hội là trung tâm, trường nuôi dạy trẻ khuyết tật. Thời gian qua, hội thường xuyên hỗ trợ hoạt động dạy nghề cho trẻ như: vẽ, thêu may, thủ công mỹ nghệ, làm hoa giả… Hàng tháng, chúng tôi hỗ trợ phụ cấp cho giáo viên và học phẩm cho các lớp hướng nghiệp. Mong ước của chúng tôi là có thể làm vơi bớt nỗi đau thể xác của các cháu”.

Cô Đặng Thị Kim Loan, cán bộ văn phòng Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp, tâm sự: “Tình trạng thể chất của các cháu ở trung tâm chỉ có thể học các nghề đơn giản. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ, có những cháu bộc lộ niềm đam mê, sáng tạo đáng ngạc nhiên. Vài tuần lễ đầu tiên, chúng tôi phải tham gia hoàn thiện sản phẩm cùng các cháu. Đến nay, các cháu đã tự mình làm rất tốt. Đây là tín hiệu đáng mừng để các cháu có thêm điều kiện hòa nhập cộng đồng”.

Khi đem trưng bày, ít ai ngờ những bình hoa bằng nhựa mềm, sinh động, đủ màu sắc; những bức tranh đất nước, con người, phong cảnh quê hương bằng mũi thêu chữ thập tỉ mỉ; những móc khóa xinh xắn, búp bê bằng len bông dễ thương… lại là sản phẩm từ những đôi tay lọng cọng trong sinh hoạt hàng ngày của các em nhỏ khuyết tật. Đó là kết quả của lòng yêu thích, sự kiên trì và khát khao sống có ích của những đứa trẻ kém may mắn. Mỗi lần có khách đến tham quan, mua sắm sản phẩm, niềm vui tươi, hạnh phúc lại ánh lên trong ánh mắt, trên những khuôn mặt ngây thơ, trong sáng.

Tin cùng chuyên mục