Chuyên khoa Nhi

Trẻ ho kéo dài: có nên tiếp tục dùng kháng sinh?

Trẻ ho kéo dài: có nên tiếp tục dùng kháng sinh?

Bạn đọc Trung, 40 tuổi, nam, TPHCM: Con tôi 4 tuổi, bị ho gần 1 tháng nay. Bé được chẩn đoán viêm phế quản và đã uống một đợt kháng sinh Augmentin trong 10 ngày. Sau khi ngừng thuốc 2 ngày, bé tái ho và tiếp tục uống một đợt kháng sinh Klacid trong 7 ngày. Khi ngừng thuốc 2 ngày, bé lại tái ho. Đến nay bé ngưng kháng sinh được 1 tuần, chỉ uống thuốc ho thảo dược, và vẫn còn ho. Bé ho không nhiều, chủ yếu sáng sớm, nhưng nghe tiếng đàm khô.

Bác sĩ khám tư vấn rằng có thể tăng liều kháng sinh, kết hợp Klacid và Augmentin thêm một đợt để điều trị dứt điểm, hoặc chờ thêm thời gian để cơ thể bé tự hồi phục. Tuy nhiên, bác sĩ cũng cảnh báo rằng nếu ho kéo dài, tình trạng có thể nặng thêm và bé phải nhập viện để tiêm kháng sinh.

Tôi hoang mang không biết làm sao? Dùng kháng sinh dồn dập có gây hại cho cơ thể bé không ạ?

Ths-Bs Nguyễn Hữu Lĩnh, Bác sĩ Nhi khoa - Bệnh Viện Đa Khoa Quốc Tế Nam Sài Gòn:

Chào anh Trung,

Bé 4 tuổi bị ho kéo dài gần một tháng là điều đáng lo ngại. Dù đã điều trị hai đợt kháng sinh, nhưng tình trạng ho vẫn chưa dứt. Việc sử dụng kháng sinh liên tục ở trẻ nhỏ cần được cân nhắc kỹ lưỡng vì có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.

Về tình trạng ho kéo dài của bé:

Ho kéo dài ở trẻ em được định nghĩa là tình trạng ho liên tục trên 4 tuần. Có nhiều nguyên nhân gây ho kéo dài ở trẻ em bao gồm hen suyễn, các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phế quản, viêm mũi xoang. Các nguyên nhân khác ít gặp hơn như dị vật đường thở, lao phổi, u phổi, thậm chí là do phản ứng quá mức của đường thở với các tác nhân ô nhiễm môi trường sống. Các nguyên nhân ngoài phổi gây ho kéo dài ở trẻ em có thể bao gồm trào ngược dạ dày thực quản hoặc suy tim. Chỉ khi chẩn đoán đúng nguyên nhân gây ho kéo dài thì việc điều trị mới có hiệu quả.

Trong trường hợp của bé, điều trị kháng sinh (Augmentin, Klacid) có đáp ứng giảm ho, nhưng việc tái phát sau khi ngừng thuốc gợi ý rằng có thể còn các yếu tố khác gây ra tình trạng ho dai dẳng. Anh nên đưa cháu tái khám để bác sĩ có hướng chẩn đoán và điều trị dứt điểm ho cho cháu.

Về việc sử dụng kháng sinh:

Kháng sinh chỉ có tác dụng trong trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn, không hiệu quả trong các trường hợp viêm hô hấp do virus, hen suyễn và các nguyên nhân gây ho ngoài phổi khác như trào ngược dạ dày thực quản hay suy tim. Sử dụng kháng sinh hợp lý cần đảm bảo lựa chọn đúng loại kháng sinh, liều lượng và thời gian điều trị phù hợp với loại nhiễm trùng và cơ thể người bệnh.

Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý ngoài việc không đem lại hiệu quả chữa lành bệnh, còn có thể gây ra các tác dụng không mong muốn cho trẻ, đặc biệt là hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch. Kháng sinh có thể tiêu diệt cả vi khuẩn có hại và có lợi trong đường ruột, gây mất cân bằng hệ vi sinh và dẫn đến các vấn đề như tiêu chảy, khó tiêu hoặc làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Hơn nữa, việc sử dụng kháng sinh không đúng hoặc quá thường xuyên có thể dẫn đến tình trạng đề kháng kháng sinh, khiến cho việc điều trị các bệnh nhiễm trùng trong tương lai trở nên khó khăn hơn.

Việc phối hợp hai loại kháng sinh (Klacid và Augmentin) hoặc tăng liều kháng sinh cần phải hết sức thận trọng và chỉ được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Lời khuyên của bác sĩ:

Trong tình huống này, Ths-BS Nguyễn Hữu Lĩnh khuyên anh Trung nên cân nhắc những điều sau:

  1. Điều trị triệu chứng và tăng cường sức đề kháng: Theo như mô tả, cháu còn ho rất ít vào buổi sáng. Anh có thể tiếp tục sử dụng các loại thuốc ho thảo dược để giảm triệu chứng ho cho bé. Ngoài ra, cần chú ý tăng cường sức đề kháng cho bé bằng cách đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, giàu vitamin C (cam, quýt, bưởi); cho bé uống nhiều nước; vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ; tránh khói bụi và các tác nhân gây kích ứng.
  2. Theo dõi tình trạng của bé: Nếu tình trạng ho không giảm hoặc trở nặng hơn sau 1-2 tuần, anh cần đưa bé tái khám bác sĩ Nhi khoa. Đặc biệt, cần đưa trẻ đi khám sớm hơn nếu có dấu hiệu sốt cao, mệt uể oải, khó thở, ho hay ói nhiều, ăn uống kém.

Bạn đọc có nhu cầu tư vấn về sức khỏe, cách phòng chống bệnh, đừng ngại gửi câu hỏi về Hộp thư tư vấn Alo Bác sĩ.

Tin cùng chuyên mục