Cuộc thi phát động từ đầu tháng 10-2022. Trong gần 1 tháng, các em đã được tìm hiểu về 2 loài gấu đang bảo tồn ở Việt Nam là gấu chó và gấu ngựa cũng như cách để bảo vệ loài gấu thông qua các chương trình mà thầy cô và Tổ chức Động vật châu Á đưa về từng lớp học.
Cuộc thi đã thu hút được gần 800 bài tham dự. Ban tổ chức đã trao hơn 250 giải gồm: 16 giải đặc biệt, 31 giải nhất, 62 giải nhì và 150 giải bảo vệ gấu cho các em học sinh của 5 khối lớp.
Cuộc thi vẽ tranh về bảo vệ gấu là cơ hội để các em hiểu thêm về cuộc sống của những con gấu đang bị nuôi nhốt trong các trại gấu. Đáng chú ý, Trường Tiểu học Đan Phượng chỉ nằm cách làng Phụng Thượng ở xã Phụng Thượng (Phúc Thọ - Hà Nội) chưa đầy 10km. Đây là nơi có các chủ trại nuôi gấu nhiều nhất và lâu năm nhất ở miền Bắc nhằm mục đích chích hút mật. Theo ước tính, hiện ở làng này vẫn còn hàng trăm cá thể gấu bị nuôi nhốt, cần sớm được chuyển giao để cứu hộ và bảo tồn ở môi trường thân thiện với tự nhiên.
Thông điệp mà các em học sinh đã truyền tải qua các bức vẽ thể hiện mong muốn được nhìn thấy tất cả gấu cũng như các loài động vật hoang dã được tự do sống cùng đồng loại giữa rừng xanh.
* Cùng ngày 28-10, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT và Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WFF) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo truyền thông “Một sức khỏe - vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong nỗ lực thay đổi hành vi tiêu dùng thịt thú rừng có nguy cơ lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người".
Tại hội thảo, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan đã thống nhất về chung tay hành động nhằm thay đổi nhận thức và thói quen tiêu thụ thịt thú rừng ở Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh đến việc nâng cao nhận thức đối với những người có thói quen tiêu thụ thịt thú rừng, tạo sinh kế cho người dân sinh sống gần rừng; đồng thời, tăng cường sự phối hợp từ trung ương đến địa phương với sự tham gia của các tổ chức quốc tế.
Ông Bill Possiel, Giám đốc Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam kêu gọi các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan cùng hợp tác chung tay hành động.
“Dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người diễn biến ngày càng phức tạp và các bệnh mới nổi sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai, đưa đến những mối đe dọa mới. Đại dịch Covid-19 là lời cảnh báo với chúng ta về tầm quan trọng của hệ sinh thái tự nhiên”, ông Bill Possiel nhận định.