Chiều 27-5, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Các ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum), ĐB Phạm Văn Tuân (Thái Bình), ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh), ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định)... đều bày tỏ nỗi lo về nạn xâm hại trẻ em, nhất là nạn bạo lực trẻ em ngay tại gia đình cả về thể chất lẫn tinh thần, thậm chí có trẻ đã bị chết ngay tại gia đình mình, dưới bàn tay của cha mẹ mình. ĐB Mai Thị Phương Hoa đề nghị xử nghiêm nạn bạo hành trẻ em, bên cạnh đó đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục.
“Để câu "trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai" không còn là khẩu hiệu, mỗi người đều phải chung tay”, ĐB Mai Thị Phương Hoa nói. ĐB Phạm Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị các phiên xử về xâm hại trẻ em cần xử công khai, trẻ em là nạn nhân không cần đến tòa, chỉ cần người giám hộ đại diện. Một số ý kiến cũng đề xuất sớm thành lập Tòa án gia đình và trẻ vị thành niên.
ĐB Tăng Thị Ngọc Mai (Trà Vinh) chỉ ra các giải pháp để người ta sống bằng phần "người" mà không phải toàn phần "con". Theo đó, gốc của vấn đề là giải pháp căn cơ, khả thi từ giáo dục ở cả 3 môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội. Cùng với đó là sự làm gương của người lớn, những quy chuẩn giá trị đạo đức, sự nghiêm minh của pháp luật.
Các ĐB cũng đề nghị đầu tư nguồn lực, con người cho công tác phòng, chống xâm hại trẻ em cần được đẩy mạnh hơn, để câu nói “hãy dành những gì tốt nhất cho trẻ em” không chỉ là khẩu hiệu...
Theo ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên), nếu nói ngân sách nhà nước và cơ chế tài chính dành cho công tác trẻ em hiện nay đã được bảo đảm, đủ đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra thì đó chỉ là một câu chuyện cổ tích.
“Nếu liên tưởng về hình ảnh, giữa những dự án ngàn tỷ đồng từ nguồn đầu tư công đang đắp chăn, đắp chiếu và hình ảnh trẻ em với manh áo mỏng tang trong ngôi nhà xập xệ không đủ che mưa che nắng, có nguy cơ bị xâm hại, tôi thấy rất xót xa. Khi ghép hai hình ảnh ấy lại, thì đó có phải là một bức tranh xã hội đầy bi kịch hay không?”, ĐB đặt câu hỏi. Do đó, ưu tiên các nhóm giải pháp về thể chế, chính sách, nguồn lực mang tính nền tảng, sẽ tạo nên nền móng cho ngôi nhà bảo vệ trẻ em vững chắc, hiện hữu. Song song đó, xử lý thật nghiêm những đối tượng vi phạm cũng như những cán bộ để xảy ra xâm hại trẻ em trong lĩnh vực mình quản lý.
Đồng tình với ý kiến của các ĐBQH, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) kiến nghị cơ quan công an, kiểm sát, tòa án cần đào tạo, xây dựng đội ngũ điều tra viên, tư pháp am hiểu tâm lý trẻ em, thân thiện trong điều tra, xét xử, tránh gây áp lực với gia đình nhưng vẫn bảo đảm không bỏ lọt tội phạm.
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết cũng đề nghị Chính phủ cần đầu tư xây dựng các khu dân cư an toàn với trẻ, xây dựng các trường học an toàn. Trẻ em phải được an toàn ở những khu công cộng, nơi sinh sống, để các em được vui chơi an toàn nơi công cộng mà không cần có cha mẹ, ông bà trông coi. Trong từng khu dân cư phải có nơi tư vấn cho trẻ em, cảnh sát khu vực hỗ trợ và hướng dẫn các em kỹ năng tự bảo vệ khỏi nguy cơ bị xâm hại. Các đối tượng có tiền án tiền sự xâm hại trẻ em, nhất là có hành vi ấu dâm phải thường xuyên được cảnh sát nắm tình hình, giám sát để kịp thời ngăn ngừa hành vi sai phạm. Người dân cũng phải được thông báo, được tuyên truyền để có ý thức bảo vệ trẻ em trong khu dân cư. Kịp thời phát hiện các trường hợp trẻ em bị xâm hại, báo cho cơ quan chức năng để không xảy ra trường hợp đáng tiếc.
“Trẻ em phải được an toàn cả ở xã hội, nhà trường, gia đình”, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết nói |
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết cũng kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương, Chính phủ, Trung ương Đoàn cần có sự phối hợp, nghiên cứu cơ chế phù hợp để có một hệ thống nhà thiếu nhi các cấp đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh cho trẻ em.
Cùng quan điểm, ĐB Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho rằng, thiết chế nhà văn hóa thiếu nhi các cấp rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em. Nhưng hiện nay, hệ thống thiết chế này đang dần bị thu hẹp, trong khi đó là môi trường sinh hoạt rất lành mạnh của trẻ em, nơi trang bị các kỹ năng tự bảo vệ của trẻ em. Nghị quyết của Quốc hội cần giao Chính phủ đầu tư thỏa đáng cho thiết chế này. Song song đó, cần tăng cường các buổi đối thoại với trẻ em giữa các bộ ngành, địa phương.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ giải trình cho biết, báo cáo giám sát của Quốc hội đã thể hiện khá đầy đủ về thực trạng thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em hiện nay.
Đề cập tới hàng loạt giải pháp tới đây Chính phủ sẽ triển khai để phòng, chống xâm hại trẻ em, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ chỉ đạo để mảng công tác này có chuyển biến, thực chất, nhất là trong công tác xét xử vi phạm. Các giải pháp chính sách, bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng sẽ được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, hệ thống pháp luật, chính sách cơ bản đã đầy đủ, vấn đề là thực hiện, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Tới đây, các đề án, chương trình thực hiện phải chỉ rõ trách nhiệm, nguồn lực để triển khai. Các tập tục, thói quen như “yêu cho roi cho vọt” cũng phải được thay đổi để giảm thiểu bạo hành với trẻ. Những vụ việc xâm hại trẻ em là đáng lên án, nhưng Phó Thủ tướng tin tưởng rằng đó chỉ là cá biệt, trên hết vẫn là truyền thống yêu thương con trẻ, hiếu thảo với mẹ cha của dân tộc ta vẫn luôn cao đẹp.