Theo “Báo cáo trẻ em ngoài nhà trường: nghiên cứu của Việt Nam 2016”, tổng số trẻ em ngoài nhà trường ở lứa tuổi 5 - 14 tuổi giảm rõ rệt, trong đó giảm mạnh nhất là ở độ tuổi mầm non 5 tuổi.
Tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số chưa từng đi học hoặc đã bỏ học đã giảm đáng kể so với năm 2009. Dân tộc Khmer và Mông tuy có tiến bộ đáng kể sau 5 năm, nhưng vẫn có tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường cao nhất so với các nhóm dân tộc khác.
Nghiên cứu còn cho thấy có sự khác biệt lớn về trẻ em ngoài nhà trường giữa nhóm hộ gia đình nghèo nhất và giàu nhất, đặc biệt càng ở cấp học cao hơn sự khác biệt này càng lớn.
Ở độ tuổi 5 tuổi, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường của nhóm hộ nghèo nhất cao hơn nhóm giàu nhất gần 3 lần, ở độ tuổi tiểu học là 5,5 lần và ở độ tuổi THCS là 10 lần.
Theo phân tích của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, xu hướng trẻ em ngoài nhà trường giảm khẳng định mạnh mẽ thành quả của giáo dục Việt Nam và tác động tích cực của chính sách. Qua đó, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch và tiến đến đảm bảo quyền giáo dục bình đẳng cho mọi trẻ em.
Với các chênh lệch bất bình đẳng vẫn còn tồn tại, bà Yoshimi Nishino - quyền Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng Việt Nam cần bổ sung các chính sách để giảm chi phí giáo dục và giải quyết các rào cản nhằm tăng cường giáo dục hòa nhập cho trẻ thiệt thòi hiện chưa được hưởng giáo dục đầy đủ.