Về tình hình chung, bà Nguyễn Thị Cẩm, Phó Trưởng Phòng Lao động Thương binh - Xã hội quận Bình Tân cho hay, quận có gần 98.000 trẻ em dưới 16 tuổi. Tình hình di dân ở các tỉnh vào địa phương làm ăn sinh sống ngày càng tăng, quận có gần 7.900 nhà trọ, phòng cho thuê với hơn 216.000 người thuê ở, trong đó có đối tượng trẻ em sống với cha mẹ và đa phần có cuộc sống khó khăn.
Trong năm 2017 và 2018, quận đã xảy ra 18 vụ xâm hại trẻ em. UBND quận đánh giá, một số vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra có tính chất phức tạp, hầu hết do các đối tượng và người bị hại từ nơi khác đến thuê khách sạn, phòng nghỉ nên công tác tuyên truyền, hỗ trợ cho nạn nhân bị xâm hại còn hạn chế. Nạn nhân bị tai nạn lao động, bị thương tích và bị xâm hại phần lớn xảy ra ở đối tượng trẻ tạm trú.
Thượng tá Nghiêm Văn Út, Phó Trưởng Công an quận Bình Tân nhận xét, số vụ trẻ em bị xâm hại liên tục gia tăng, năm 2017 xảy ra 8 vụ, năm 2018 là 10 vụ. Trong 18 vụ, công an quận đã củng cố hồ sơ khởi tố 8 vụ (8 bị can); chuyển Công an TPHCM xử lý 5 vụ (5 bị can); tạm đình chỉ 5 vụ.
Theo thượng tá Nghiêm Văn Út, khó khăn trong xử lý các vụ trẻ em bị xâm hại là đa số trình báo chậm, khi xảy ra thời gian dài mới đến trình báo, không có nhân chứng, không có chứng cứ… Vì thế, công an rất khó khăn trong truy xét, điều tra.
Thượng tá Nghiêm Văn Út nhận định, tình hình nhập cư gia tăng, nhiều người không có công ăn việc làm, không có nhà ở ổn định và trẻ em trong các gia đình này vẫn là đối tượng dễ bị xâm hại về lao động, về bạo hành, về tình dục. Thời gian qua, công an quận đã cử tổ công tác tới các phường, các trường học, nhà trọ công nhân để tuyên truyền cho người dân.
Phát biểu trong buổi giám sát, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TPHCM đề nghị quận Bình Tân có giải pháp đồng bộ kéo giảm số vụ trẻ em bị xâm hại.
Theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, quận đã nhận diện trẻ em thường bị xâm hại là con em nhập cư ở nhà trọ thì cần tập trung tuyên truyền tới đối tượng này giúp cha mẹ trẻ biết cách phòng ngừa, đảm bảo cuộc sống an toàn.