Thế nhưng, thực tế người lớn chúng ta đã hành xử như thế nào, liệu có xứng đáng làm gương cho trẻ? Có rất nhiều người thể hiện sự nêu gương bằng các ứng xử đúng chuẩn mực, nhưng cũng không ít người lớn có hành vi, thái độ, cách ứng xử đáng phê phán.
Chẳng hạn, nhiều người lớn vô tư xả rác, khạc nhổ ngoài đường, trước mặt trẻ em, có khi cả con nhỏ của mình. Nhiều người mở miệng ra là văng tục, hoặc nói những từ không hay, thiếu văn hóa…
Nhiều người ra đường là phóng xe bạt mạng, lạng lách, xem thường luật giao thông ngay khi đang chở con mình. Cũng có người vì tranh chấp lợi ích nhỏ nhặt mà sẵn sàng hành xử bạo lực với người khác.
Một đứa trẻ ngoan nếu được cha mẹ dạy dỗ tốt, được sống trong môi trường mà người lớn gương mẫu, thì ít có khả năng trở nên sa ngã, hư hỏng.
Ngược lại, những đứa trẻ thiếu sự dạy dỗ chu đáo của người thân, lại sống trong môi trường mà người lớn phần đông là “tấm gương xấu” thì mới dễ đi vào con đường thiếu lành mạnh.
Có lẽ nhiều thanh niên “chậm tiến” hay “tiêu cực” hoặc đại loại như thế, hẳn bắt nguồn từ những đứa trẻ thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ và làm gương của người lớn từ nhiều năm trước.
Tức là trong một xã hội mà trẻ con đang nhìn vào những người lớn chúng ta có sự hung hăng, bạo lực, phạm pháp hiện tại, các em sẽ trở thành người như thế nào trong tương lai, hẳn sẽ không khó để hình dung.
“Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”. Khi trẻ em hôm nay còn chứng kiến quá nhiều điều lệch chuẩn thì những người trưởng thành ngày mai sẽ như thế nào? Đó đáng lý ra là một câu hỏi nhức nhối và đầy trăn trở cho mỗi người lớn chúng ta, để từ đó mà tự điều chỉnh hành vi của mình.