Trẻ bị phản ứng sau tiêm vaccine: Không nên hoang mang

Tối 27-1, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết có hơn 60 trẻ dưới 5 tuổi sau khi tiêm chủng vaccine ComBE Five phải nhập viện. Như vậy sau khi triển khai tiêm chủng vaccine này, nhiều tỉnh thành ghi nhận hàng trăm trẻ phải cấp cứu.

Phụ huynh lo lắng

Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, trẻ nhập viện trong tình trạng sốt; trong đó có một ca bệnh nặng phải chuyển đến Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang để theo dõi biểu hiện viêm màng não.

Hiện tại, sau khi uống thuốc hạ sốt, các ca ở bệnh viện đã ổn định sức khỏe và nhiều trường hợp đã xuất viện. TP Cần Thơ có 3 trường hợp nhập viện sau khi tiêm vaccine ComBE Five, trong đó có một trường hợp có biểu hiện tím tái phải cấp cứu, 2 trường hợp sốt nhẹ.

Trung tâm Y tế dự phòng Hậu Giang cho biết, trong đợt tiêm vaccine ComBE Five vừa qua, tỉnh đã triển khai về các cơ sở y tế 4.050 liều, quá trình tiêm không xuất hiện trường hợp nào bị phản ứng nặng do vaccine gây ra. Tuy nhiên, vẫn có 10 trẻ bị sốt, kèm theo viêm họng phải nhập viện. Khi được bác sĩ thăm khám, chăm sóc, các trẻ dần ổn định sức khỏe và đã xuất viện sau một ngày điều trị.

Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long cho biết có 27 trường hợp đến trạm y tế do bé sốt và sưng đau ở vị trí tiêm, 33 trường hợp đến bệnh viện tỉnh và 26 trường hợp đến trung tâm y tế huyện. Số trẻ nhập viện đa phần do người nhà không an tâm khi xuất hiện một số biểu hiện như nóng, sốt và 100% đều được đều trị bằng thuốc hạ sốt và đã khỏe trở lại.

Dù chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong trong đợt đầu tiêm vaccine ComBE Five ở ĐBSCL, nhưng nhiều phụ huynh vẫn cảm thấy bất an.

Không bỏ tiêm vaccine cho trẻ
Ngày 29-1, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, các trường hợp phản ứng sau tiêm vaccine ComBE Five đều trong nằm trong giới hạn cho phép dù trong số các trường hợp nhập viện sau khi tiêm vaccine cũng có ca phản ứng nặng. Hơn nữa, phản ứng sau tiêm ComBE Five giống như tiêm Quinvaxem trước đây. Người dân không nên bỏ tiêm vaccine cho trẻ vì hiện là thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh.
Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng cho biết TP Hải Phòng có 31 trẻ bị phản ứng sau tiêm vaccine trong đó có 10 trẻ  phản ứng nặng, co giật tím tái nên được chuyển lên tuyến trên là Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Tuy nhiên tới ngày 29-1, đa số trẻ bị phản ứng sau tiêm vaccine đều đã xuất viện, chỉ còn một số ca đang được theo dõi ở Bệnh viện Trẻ em với tình trạng ổn định.
Đại diện Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho biết, ComBE Five là vaccine phối hợp phòng bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib do Công ty Biological E., Ấn Độ sản xuất và được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng Việt Nam thay thế Quinvaxem do Công ty Berna Biotech, Hàn Quốc sản xuất. Sau khi triển khai thí điểm tại 7 tỉnh với trên 17.300 trẻ được tiêm ComBE Five, từ tháng 12-2018 tới nay, vaccine này được triển khai trên toàn quốc.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã phân bổ ComBE Five đến 63 tỉnh/thành và hướng dẫn triển khai tiêm, chú trọng thực hành tiêm chủng an toàn, nhất là khám sàng lọc và tư vấn phụ huynh cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng. Căn cứ vào lịch tiêm chủng thường xuyên, các tỉnh/thành đã chủ động xây dựng kế hoạch tiêm ComBE Five. Tính đến cuối tháng 1-2019 đã có khoảng 30 tỉnh/thành tổ chức triển khai tiêm ComBe Five cho hơn 150.000 trẻ.
Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ phản ứng thông thường (sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc...) được ghi nhận là 1,73%. Ngoài ra, cũng ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài với tỷ lệ khoảng 0,05% - các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.

Hiện nay, Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh/thành tiêm ComBE Five theo kế hoạch, thực hiện đúng quy trình tiêm chủng an toàn, khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm chủng 30 phút tại điểm tiêm chủng, tư vấn phụ huynh biết cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng. Đồng thời, khuyến cáo các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế về chăm sóc, theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng.

Phụ huynh cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại của con mình như: trẻ đang bị ốm, đang dùng thuốc, tiền sử dị ứng đặc biệt có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, sưng nề vùng tiêm. Sau tiêm chủng cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút  để cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra. Tiếp tục theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà trong 1- 2 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu: tinh thần; bú mẹ; ăn; ngủ; thở; nhiệt độ; phát ban; phản ứng tại chỗ tiêm… để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Nếu trẻ sốt, cần cặp nhiệt độ và theo dõi, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế.

Cần lưu ý khi trẻ có biểu biện bất thường về sức khỏe như:  sốt cao từ 390C trở lên, co giật, phát ban, khóc thét, tím tái, khó thở, li bì, mệt lả, bú kém, bỏ bú... phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.


Tin cùng chuyên mục