Biết hàng giả vẫn mua
Thương mại điện tử phát triển mạnh góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là trong thời điểm đại dịch Covid-19. Thế nhưng, cùng với đó là vấn nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan khó kiểm soát. Về thực trạng này, chính lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cũng cho rằng... rất đau đầu.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục QLTT, cho hay, có khoảng 80% người tiêu dùng biết sản phẩm là giả mạo nhưng vẫn mua vì… giá rẻ. Chẳng hạn, chiếc túi thật có giá từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, nhưng đặt mua trên mạng chỉ vài trăm ngàn đồng.
“Người tiêu dùng biết rằng sản phẩm là hàng nhái thương hiệu, nhưng họ vẫn mua. Thậm chí, có cả những sàn thương mại điện tử lớn cũng bán hàng giả mạo”, ông Nguyễn Đức Lê nói.
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Phương Lan, nhân viên văn phòng tại quận 3, chia sẻ: “Mình và mấy người bạn cũng hay mua nón, giày dép nhái thương hiệu tại một số cửa hàng ở quận 1, 5 vì giá chỉ vài trăm ngàn đồng”.
Lướt qua một số trang thương mại điện tử, thông tin về hàng giả, hàng nhái khá nhộn nhịp, với đủ mức giá. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, lo ngại, cùng kỳ năm trước đang là cao điểm mua sắm cuối năm, nhưng năm nay, do tác động của dịch Covid-19 nên sức mua sụt giảm nghiêm trọng. Tuy vậy, có sự chuyển dịch trong xu hướng tiêu dùng của một bộ phận người mua hàng, khi họ chấp nhận hàng rẻ để thắt chặt chi tiêu. Trong khi doanh nghiệp tập trung làm ăn, phát triển thương hiệu nên khi phát hiện ra những vụ giả mạo sản phẩm thì khá trễ; có khi vô tình thấy trên mạng xã hội hoặc do người mua phản ánh.
“Nếu tình trạng hàng nhái, hàng giả mạo còn kéo dài, doanh nghiệp làm ăn chân chính rất khó có đất sống, điều này đe dọa cả nền sản xuất nội địa”, bà Vũ Kim Hạnh cảnh báo.
Thống kê của cơ quan chuyên trách, từ đầu năm 2021 đến nay, Hải quan cả nước đã phối hợp cùng lực lượng liên ngành phát hiện, xử lý trên 13.000 vụ vi phạm là hàng lậu, hàng giả, thu nộp ngân sách hơn 270 tỷ đồng. Tương tự, lực lượng QLTT cả nước cũng xử lý hàng chục ngàn vụ vi phạm, trong đó nhiều lô hàng là quần áo thời trang, thiết bị vật tư y tế giả mạo, có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Nói không với hàng dỏm
Giám đốc bộ phận pháp chế của một doanh nghiệp FDI (chuyên về hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng) tại TPHCM bức xúc: “Các mặt hàng của công ty thường xuyên bị làm nhái, giả mạo. Có những xưởng sản xuất hàng giả chuyên nghiệp đến mức có đầy đủ máy móc, công nhân chiết tách hàng hóa”.
Ông Nguyễn Viết Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, cho rằng, vấn nạn hàng giả, hàng nhái là câu chuyện “mệt mỏi” đối với doanh nghiệp, cũng như cơ quan chuyên trách. Các mặt hàng “thượng vàng hạ cám” đều dễ dàng tìm thấy trên mạng xã hội và đây cũng là môi trường béo bở cho những đối tượng kinh doanh bất chính. “Người tiêu dùng hãy mua hàng có trách nhiệm để bảo vệ chính mình, bảo vệ nhà sản xuất”, ông Nguyễn Viết Hồng nhận định.
Tăng cường chống gian lận thương mạiCục QLTT TPHCM cho biết, đơn vị đang phối hợp cùng cơ quan chức năng chuyên trách tăng cường kiểm tra, giám sát những mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán 2022. Mục đích nhằm tránh tình trạng đầu cơ, đảm bảo ổn định thị trường. Theo kế hoạch, đối tượng kiểm tra trong đợt cao điểm lần này sẽ là các tổ chức, cá nhân sản xuất, chứa trữ hàng hóa hoặc có hoạt động thương mại điện tử, đối tượng có dấu hiệu vi phạm kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu… Song song đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh tại chợ, trung tâm thương mại siêu thị; bến bãi, trạm xe trung chuyển hàng hóa; cảng đường thủy, ga hàng không cũng thuộc diện kiểm tra. Thời gian thực hiện cao điểm kiểm tra được Cục QLTT TPHCM triển khai đến hết ngày 28-2-2022. |