Gia tăng lấn chiếm
Sau những đợt ra quân của các địa phương, trên các tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), Phạm Thế Hiển (quận 8), Âu Cơ (quận 11, Tân Bình, Tân Phú)... cơ bản không còn cảnh buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường; xe gắn máy nằm gọn khu vực được phép. Dọc vỉa hè các tuyến đường của quận 1 như Lê Duẩn, Phùng Khắc Khoan, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học, Trần Đình Xu…, xe đẩy bán hàng được đưa vào nhà, các gánh hàng rong gần như đã vắng bóng, xe dựng trên vỉa hè rất ngăn nắp, trật tự. UBND quận 1 khẳng định 116/134 tuyến đường ở quận đã thông thoáng, trật tự.
Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên, vào những ngày cuối năm 2017, tình trạng tái chiếm vỉa hè, lòng đường diễn ra rầm rộ trở lại, nhất là tại các khu vực chợ Kim Biên (quận 5), Bình Tây (quận 6), chợ Tân Bình (quận Tân Bình)… Tại hai con đường bên hông chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), hàng ngày khoảng từ 18 giờ đến 22 giờ, khu vực này biến thành “chợ đêm”, xe máy và xe đạp phải vất vả chen qua các “sạp chợ” bán quần áo tràn ra lòng đường. Một cư dân tại đây bức xúc cho biết: “Hễ đội trật tự đô thị đến thì họ dẹp, đi thì họ mang ra bày bán tiếp”.
Bày bàn ghế lấn chiếm vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai để buôn bán. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trên đường Lê Đại Hành (quận 11), đoạn trước tòa nhà Flemington và trước khu vực Trường đua Phú Thọ tái xuất hiện các loại xe đẩy bán cá viên chiên, bánh mì, nước giải khát hoặc các sạp bán báo, bán heo đất. Điều đáng lưu ý là hầu hết những điểm sửa xe, rửa xe trên các tuyến đường chúng tôi ghi nhận đều để xe của khách chiếm vỉa hè. Tại quận Bình Tân, vỉa hè của nhiều tuyến đường đã bị tái chiếm.
Tương tự, trước quán OK 3 con dê (số 594 đường Ba Tháng Hai, quận 10), vào buổi tối, xe gắn máy của khách hàng dựng chiếm hết vỉa hè. Còn trên “phố nhậu” Phạm Văn Đồng (đi qua các quận Bình Thạnh, Gò Vấp và Thủ Đức), cũng vào buổi tối, các quán nhậu tái lấn chiếm vỉa hè để bày bàn, ghế cho khách nhậu. Thậm chí ngay trung tâm TPHCM, dù lực lượng trật tự đô thị chạy xe hụ còi, tuần tra xử lý, song tình trạng bán hàng rong tại phố đi bộ Nguyễn Huệ vẫn rất rầm rộ. Ở đây có đủ các thể loại, từ bóng bay, kẹo bông, đồ chơi đến những đồ ăn vặt như bánh tráng nướng, kem, bắp xào, trái cây, nước ngọt, thậm chí có cả bia. Người bán đựng đồ ăn trong giỏ, thùng xốp xách tay hoặc quẩy gánh, kéo xe như những “hàng ăn di động” mời chào, gây ra cảnh lộn xộn, nhếch nhác.
Quy định lại công năng sử dụng vỉa hè?
Theo Ban An toàn giao thông TPHCM, trong năm 2017, UBND các quận - huyện tập trung tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương chấn chỉnh trật tự đô thị; đồng thời tổ chức nhiều đợt ra quân lập lại trật tự. Quận 1, quận Tân Phú và huyện Củ Chi còn kịp thời khen thưởng, khuyến khích các tập thể, cá nhân tiêu biểu chấp hành tốt chủ trương lập lại trật tự đô thị. Ở quận 6, bên cạnh việc biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc, quận cũng phê bình UBND các phường 2, 6, 14 còn tồn tại trong công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè. Nhờ có sự tập trung chỉ đạo, thường xuyên ra quân và triển khai đồng bộ các giải pháp, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở nhiều quận - huyện đã có sự chuyển biến. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng này, kể cả ở quận 1.
Thượng tá Nguyễn Thanh Liêm, Phó Trưởng Công an quận 1, cho biết việc duy trì trật tự, không để tái lấn chiếm vỉa hè là nhiệm vụ quan trọng. Để hoàn thành nhiệm vụ này, quận 1 đang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc xây dựng các ô khu vực, tự quản an ninh trật tự - trật tự đô thị ở 10 phường, với thành phần chính gồm cảnh sát khu vực, trật tự đô thị, bảo vệ dân phố, tổ dân phố, nhằm vận động người dân cùng tham gia với chính quyền lập lại trật tự đô thị.
Ông Dương Hồng Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cũng nhìn nhận tình trạng lấn vỉa hè trên địa bàn, thậm chí bày bán chiếm lòng đường vẫn tồn tại. Nhiều nơi do vi phạm diễn ra vào buổi tối nên lực lượng trật tự đô thị quận khó kiểm soát, xử lý. UBND quận Bình Thạnh đã đề xuất Sở Giao thông Vận tải cho phép sắp xếp người dân vào buôn bán trên một tuyến đường gần chợ Bà Chiểu. “Phương án này sẽ giải tỏa khu vực bị chiếm dụng và giúp tiểu thương có chỗ kinh doanh hợp pháp, ổn định”, ông Thắng phân tích.
Chia sẻ với việc sắp xếp lại cho người dân có nơi buôn bán, Ban An toàn giao thông TPHCM đề nghị các quận - huyện chủ động rà soát các mặt bằng, các vỉa hè đủ rộng và cho phép kinh doanh trên vỉa hè. Góp ý thêm về giải pháp này, TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu và phát triển TPHCM, đề xuất cần quy định lại công năng sử dụng vỉa hè. Theo đó, cần nghiên cứu quy định không gian cho “gánh hàng rong” với phạm vi và thời gian buôn bán cụ thể. “Kinh nghiệm của nhiều thành phố trên thế giới cho thấy không thể loại bỏ hàng rong. Do đó, việc xác định vỉa hè dành cho hàng rong là một giải pháp quan trọng trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vỉa hè trên địa bàn TPHCM”, ông Tân bày tỏ.
Theo thống kê, trong 11 tháng năm 2017, Công an TPHCM đã lập 53.260 biên bản vi phạm về trật tự đô thị, trật tự công cộng (tăng 2.210 trường hợp); xử phạt 59.014 trường hợp. Tổng số tiền phạt gần 20 tỷ đồng; đồng thời tạm giữ 1.614 mô tô, 78 ô tô, 688 xe ba gác.
Theo Ban An toàn giao thông TPHCM, trong 1.445 tuyến đường trọng điểm của 24 quận - huyện, có 788 tuyến đường chuyển biến tốt (đạt tỷ lệ 55%). Vỉa hè ở các tuyến đường này đã thật sự thông thoáng. Bên cạnh đó, 609 tuyến đường có chuyển biến (42%) và 48 tuyến đường (ở quận 5, quận 7, quận 8, quận Bình Tân…) còn tình trạng bán buôn phức tạp.