Đối với cử tri trong nước, ông Trump hứa hẹn giảm lạm phát, tăng mức sống cho người dân, trục xuất người nhập cư bất hợp pháp. Ông D.Trump cũng tuyên bố sau khi đắc cử sẽ thay đổi chính sách năng lượng hiện hành, hỗ trợ mạnh ngành sản xuất dầu khí, giảm giá năng lượng, nhằm đạt được sự tự chủ về năng lượng và nâng cao sức cạnh tranh của ngành công nghiệp Mỹ.
Về chính sách đối ngoại, một chuyên gia Trung Quốc nhận định: “Mô hình thế giới sẽ trải qua những thay đổi sâu sắc khi ông D.Trump trở lại Nhà Trắng. Nhưng có lẽ đây không phải là điều tồi tệ, miễn là chúng ta có sự chuẩn bị tốt”.
Trong nhiều tuyên bố của mình, ông D.Trump hy vọng sẽ chấm dứt xung đột Nga - Ukraine và xung đột Palestine - Israel càng sớm càng tốt, đồng thời không loại trừ việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với dầu thô Nga để đổi lấy sự nhượng bộ của nước này.
Sắp tới đây, Mỹ có thể thay đổi trong giọng điệu, cách tiếp cận, và cả những ý đồ đối với vấn đề Israel và Dải Gaza. Tháng 3-2018, ông D.Trump đã khởi xướng thương chiến Mỹ - Trung. Từ đó tới nay, nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc vẫn trong quỹ đạo tách rời nhau.
Shiu Sin-por, Chủ tịch của New Paradigm Foundation Company Limited, cho rằng nếu ông D.Trump trở lại Nhà Trắng, những thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ lớn hơn và khó dự đoán hơn. Quan hệ của Mỹ với Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và lãnh thổ Đài Loan cũng sẽ thay đổi. EU vốn từng bị ông D.Trump coi là một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ trên bình diện kinh tế, nên mối quan hệ song phương với Washington dự báo ngày càng mất cân bằng hơn.
Đối với Đông Nam Á, ông D.Trump đe dọa sẽ áp đặt mức thuế cao lên tới 60% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 20% đối với hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ các nước khác. Điều đó khiến cho các nước, các nền kinh tế định hướng xuất khẩu, sẽ phải đối mặt với nguy cơ xuất khẩu sang Mỹ giảm, do mối đe dọa thuế quan 20% của ông D.Trump.
Ngoài ra, với việc Đông Nam Á đang duy trì thặng dư thương mại gần 200 tỷ USD với Mỹ, khả năng cao là ông D.Trump sẽ yêu cầu giảm mức thâm hụt này. Về vấn đề Biển Đông, TS Benjamin Sacks, chuyên gia về địa chính trị từ Tập đoàn Rand, dự báo: Bất kể đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa lên nắm quyền, Biển Đông vẫn sẽ là một trong những mặt trận ưu tiên của Chính phủ Mỹ.
Cuộc bầu cử tổng thống ngày 5-11 cũng là cuộc trưng cầu ý dân về vai trò của Mỹ trên thế giới. Theo giới quan sát, đó là cuộc bỏ phiếu về các giá trị và lợi ích của Mỹ.
Tuy nhiên, sự hình thành các trục đặc biệt, trong đó có cả các tổ chức thay thế như nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) hay Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), đã thu hút các cường quốc đang lên cũng như những nước tìm cách tự bảo vệ trước những trật tự đa cực bất đối xứng mới nổi. Do vậy, đây cũng là thách thức cho mô hình của một trật tự của phương Tây hoặc cụ thể là Mỹ trong tương lai.