Lan tỏa văn hóa đọc
Có điều, ban đầu và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn cứ nghĩ chủ tiệm sách là một cô gái với cái tên Hằng Anh, trước lúc Thịnh tiết lộ đó chỉ là một trong những người quản lý của trang Tiệm sách truyện cũ Casanova. Thứ nữa là cứ tưởng một tiệm sách truyện cũ như vậy chỉ buôn bán sách đơn thuần, tôi đã bất ngờ hoàn toàn vì ý nghĩa của dự án mà Thịnh đã thực hiện hơn 3 năm qua từ những cuốn sách cũ, mới anh có được.
Cũng dễ hiểu vì nếu lạc vào tiệm sách truyện cũ Casanova, ta sẽ thấy choáng ngợp vì cơ man sách, chưa nói đến lượng tri thức mênh mông trong đó, để nhớ lại một ai đó đã ước chừng lượng sách nhỏ bé mà chúng ta có thể đọc được trong đời người. Thế rồi lướt qua từng giá sách, ta lại tự hỏi, mình nên chọn một cuốn nào đấy để bổ sung cho tủ sách của mình, nên mua sách mới, hay những bìa sách cũ gợi lại một kỷ niệm nào đấy. Sau cùng, một khi đã vào một tiệm sách cũ như vậy mà không tìm được một hay hai cuốn sách cũ, ta sẽ ra khỏi đó như thể đã bỏ quên ở đó một cái gì, khiến trong lòng day dứt không thôi.
Thế mới nói, những cuốn sách mà dự án Căn phòng đầy sách đã trao đi khắp mọi miền, cho nhiều đối tượng, có ý nghĩa lớn như thế nào với những người nhận. Thịnh tâm sự, Căn phòng đầy sách là một dự án giáo dục phi lợi nhuận được bảo trợ bởi tiệm sách truyện cũ Casanova, ra đời vào tháng 11-2018, với các hoạt động chính là tặng quần áo, những đồ vật cần thiết với cuộc sống hàng ngày đã qua sử dụng và nhất là sách cũ... Mong muốn của Thịnh và các thành viên là hỗ trợ cho các nhóm công tác xã hội, thư viện cộng đồng, trại giam, trung tâm cai nghiện, cơ sở tôn giáo... và xây dựng cách “sống xanh” giữa người tặng và các nhóm nhận.
Nói về sách thì trong quá trình hoạt động, dự án đã trao tặng sách đến rất nhiều nơi như trường đại học, trường mẫu giáo, cơ sở tôn giáo, các lớp học tình thương, kết nối với những dự án giáo dục khác… để đưa sách tiếp tục sứ mệnh lan tỏa tri thức. Thịnh nhẩm tính, đến hiện tại đã có khoảng hơn 10.000 đầu sách các thể loại được anh và nhóm trao tặng. Đáng chú ý là bên cạnh việc kêu gọi ủng hộ những đầu sách văn học, truyện tranh..., dự án đã kêu gọi ủng hộ sách giáo khoa để trao tặng các bạn học sinh miền Trung, nơi vừa trải qua những cơn bão lũ lịch sử. Nhờ đó, dự án đã đồng hành cùng Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) trong chương trình Sống xanh khi trao tặng sách đến thư viện Trường Đại học Bách khoa TPHCM.
Có điều, nếu chỉ là việc tặng sách, xây dựng thư viện thì nhiều nơi, nhiều cá nhân cũng đã làm trước đó. Vì thế, điểm đặc biệt ở Căn phòng đầy sách là nhóm còn hướng đến mục tiêu lan tỏa văn hóa đọc và bảo vệ môi trường. Cụ thể hơn, Tiệm sách truyện cũ Casanova thu mua sách cũ phục vụ cho việc kinh doanh của mình, theo tuần hoàn sẽ tái sử dụng, bán lại cho người có nhu cầu. Trong khi đó, những loại sách không phù hợp thị hiếu khách hàng, tiệm không thu mua và người bán sẽ bỏ ve chai, đồng nát, tiệm sẽ thuyết phục để họ tặng lại cho các nhóm sách từ thiện qua dự án cộng đồng. Và thông qua các hình thức lan tỏa và mục đích hướng đến, nhóm nhận sách sẽ cam kết cho mượn sách đọc, hoặc trao tặng sách đến những nơi, những người thật sự cần thiết. Nhờ đó, Căn phòng đầy sách giúp lan tỏa văn hóa đọc, cũng như việc chuyền tay sách trở thành vòng tuần hoàn, tận dụng được nguồn sách đã qua sử dụng. Đồng thời, nhóm sẽ tạo ra một cộng đồng mà các nhà hảo tâm có thể tìm đến để trao tặng sách cũ, thay vì bán đồng nát hay cất một góc tủ.
Trao yêu thương
Nhìn rộng ra, hoạt động mua bán sách, trao sách của Căn phòng đầy sách còn có tác dụng bảo vệ môi trường khi sách không chỉ được tái sử dụng mà những nhóm được tặng sách khi lấy sách phải sử dụng thùng giấy, túi vải, bao tải, hạn chế sử dụng ni lông, giúp họ cảm thấy đây là một dự án môi trường đúng nghĩa, không nửa vời. Và nói như học giả Vương Hồng Sển trong Thú chơi sách thì “Vũng nước ngọt giữa bãi sa mạc, đối với kẻ lỡ độ đường, quý hơn vàng xoàn. Thư viện, đối với người biết chữ, là một bồng lai tiên đảo để cho họ sống một đời lạc thú, an nhàn, vô tư lự, cạnh những thức ăn tinh thần vừa dạy luyện bắp thịt, vừa dạy luyện trí óc…”.
Tuy nhiên, như Trần Đăng Thịnh khẳng định, Căn phòng đầy sách không chỉ đầy sách mà còn đầy yêu thương. Sự yêu thương này được anh và các thành viên thể hiện bằng nhiều hoạt động xã hội khác. Chẳng hạn như trong quá trình Tiệm sách truyện cũ Casanova tiếp cận người dọn dẹp nhà cửa, thanh lý sách thì ngoài việc nhận sách cũ, nếu có quần áo, đồ dùng học tập, sổ tay, tập vở trắng, thú bông, cặp, ba lô, xấp vải may, giày dép… đã cũ nhưng còn sử dụng được, và nhiều đồ dùng sinh hoạt khác, tiệm sẽ chuyển giao cho các nhóm công tác xã hội có nhu cầu.
Thịnh cho biết: “Tiệm sách truyện cũ Casanova có liên kết với nhiều nhóm công tác xã hội, nhóm sách từ thiện, thư viện cộng đồng và nhóm tái chế đồ cũ, cho nên sẽ phân loại phù hợp, tặng đúng nơi, chứ không chỉ là tặng từ thiện. Thí dụ sách kỹ thuật tặng cho Trường Đại học Bách khoa, đồ dùng cũ còn sử dụng tặng cho các nhóm công tác xã hội phục vụ cộng đồng vùng xa, biên giới, trung tâm khiếm thính, nuôi dưỡng chăm lo bà mẹ đơn thân và trẻ em…”.
Nhờ đó mà hơn 3 năm qua, Căn phòng đầy sách với vai trò trực tiếp hoặc trung gian đã trao tặng hơn 10.000 quyển sách, đủ mọi thể loại phù hợp các đối tượng tiếp cận sách cũ, cũng như trao tặng đồ sinh hoạt đã cũ nhưng còn sử dụng được tới rất nhiều người trên khắp mọi miền đất nữa. Những cuốn sách mà Căn phòng đầy sách gửi đi khắp nơi còn chứa đựng trong đó tình yêu thương, trách nhiệm của các thành viên.
Thịnh tiết lộ, trong tương lai, nhóm hy vọng dự án Căn phòng đầy sách không chỉ có 2 cơ sở ở TPHCM và Hà Nội, mà còn có thể tham gia các chương trình, cuộc thi để lan tỏa văn hóa đọc và có quỹ hoạt động. Quỹ này sẽ sử dụng cho việc chạy quảng cáo, họp offline, mở những buổi trò chuyện, buổi đọc sách, hay liên kết với một số nhóm khác trong các hoạt động xã hội ở những nơi như bệnh viện, trại giam, làng SOS, trung tâm khiếm thính… Được biết, ngoài tiệm sách truyện cũ Casanova, chàng trai sinh năm 1994 từng học ngành Quản trị kinh doanh, Trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp, hiện còn làm thêm công việc môi giới chứng khoán và nhà đất để có tiền trang trải sinh hoạt cũng như duy trì dự án.