Trong thời gian vừa qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) cùng với Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNN về NVNONN) đã ra mắt Tủ sách tiếng Việt tại Fukuoka (Nhật Bản), Budapest (Hungary), Đài Loan (Trung Quốc) và Paris (Pháp). Để tìm hiểu rõ hơn về sáng kiến trao tặng Tủ sách tiếng Việt, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với TS. Phạm Vĩnh Thái – Tổng Biên tập NXBGDVN.
Xin ông cho biết mục đích và ý nghĩa của việc trao tặng Tủ sách tiếng Việt ở nước ngoài?
TS. Phạm Vĩnh Thái: Sáng kiến trao tặng Tủ sách tiếng Việt ở nước ngoài là một trong những hoạt động quan trọng nhằm hưởng ứng Đề án “Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) giai đoạn 2023 – 2030”. Mục tiêu chính của sáng kiến này là lan toả mạnh mẽ tình yêu tiếng Việt, góp phần gìn giữ và phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, giúp các thế hệ người Việt ở nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận được với văn hoá dân tộc, củng cố tình yêu quê hương, đất nước, đồng thời thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hoá, tăng cường kết nối giữa Việt Nam và cộng đồng NVNONN.
Thông qua việc trao tặng các Tủ sách tiếng Việt, chúng tôi muốn cung cấp cho bà con NVNONN những tài liệu hữu ích bằng tiếng Việt dành cho người mới học tiếng Việt (là người Việt; người gốc Việt ở nước ngoài; trẻ em các gia đình đa văn hoá có yếu tố người Việt,…) giúp cộng đồng có thể dễ dàng tiếp cận, học tập và sử dụng tiếng Việt trong cuộc sống hằng ngày.
Vậy vai trò của NXBGDVN và UBNN về NVNONN trong sáng kiến này như thế nào?
TS. Phạm Vĩnh Thái: UBNN về NVNONN đảm nhận vai trò tìm hiểu nhu cầu của cộng đồng NVNONN về các loại sách, tài liệu bằng tiếng Việt, đồng thời hỗ trợ xác định các địa điểm, cơ sở cần nhận tủ sách.
Về phía NXBGDVN, chúng tôi lựa chọn, tuyển chọn và in ấn các tài liệu phù hợp với nhu cầu của NVNONN, đảm bảo chất lượng và gửi tặng các địa điểm được xác định. Quá trình này được thực hiện dưới sự giám sát và phối hợp chặt chẽ của hai bên. Đến nay, sau một năm triển khai, NXBGDVN đã trao tặng 5 Tủ sách tiếng Việt đến cộng đồng người Việt Nam ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Nhật Bản, Hungary, Cộng hoà Pháp, Cộng hòa Séc và Đài Loan (Trung Quốc).
Thưa ông, Tủ sách tiếng Việt thường bao gồm những thể loại sách nào?
TS. Phạm Vĩnh Thái: Các Tủ sách được trao tặng là sự kết hợp của nhiều thể loại sách, tài liệu. Chúng tôi tiến hành khảo sát nhu cầu tại một số địa bàn mẫu, xây dựng danh mục tủ sách cơ bản. Sau đó điều chỉnh danh mục sách cho phù hợp với từng địa bàn cụ thể cũng như hướng dẫn quy trình vận hành tủ sách linh hoạt và hiệu quả. Thông thường, các đầu sách trong Tủ sách tiếng Việt gồm: tài liệu dạy và học tiếng Việt; truyện tranh cho trẻ em; tài liệu tham khảo, bổ trợ nâng cao (gồm các sách giúp nâng cao khả năng đọc hiểu tiếng Việt, đưa người đọc đến với kho tàng văn học dân gian, văn học đương đại của Việt Nam); sổ tay, từ điển tra cứu, tài liệu chuyên khảo về tiếng Việt dành cho những người giảng dạy và nghiên cứu tiếng Việt…
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ cập nhật liên tục các ấn phẩm, tài liệu mới nhất để bổ sung vào các tủ sách, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, tìm hiểu về Việt Nam ngày càng đa dạng của bà con.
Trong quá trình triển khai, NXBGDVN và UBNN về NVNONN có gặp phải những khó khăn nào không, thưa ông?
TS. Phạm Vĩnh Thái: Nhu cầu xuất bản phẩm tiếng Việt trong cộng đồng ở nước ngoài là rất lớn, ở phạm vi rộng, trong khi chúng tôi hiện tại mới chỉ có thể hỗ trợ được ở một số địa điểm tập trung đông cộng đồng. Đối tượng người đọc cũng rất đa dạng. Chính vì vậy, khi xây dựng cơ cấu tủ sách, chúng tôi cố gắng đáp ứng nhu cầu của những người đang học tập, giảng dạy và nghiên cứu tiếng Việt, nhưng chủ yếu vẫn tập trung cho các em nhỏ từ 4 – 15 tuổi. Cùng với UBNN về NVNONN, chúng tôi liên tục lắng nghe các ý kiến phản hồi, tham gia các hội thảo về việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng trên toàn thế giới… để có thể lựa chọn, bổ sung các đầu sách phù hợp với nhu cầu của bà con.
Việc vận chuyển sách và tủ sách đến các địa điểm ở nước ngoài cũng là một thách thức không nhỏ do thủ tục phức tạp, cần phải tính toán kỹ lưỡng về chi phí, thời gian và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa UBNN về NVNONN, NXBGDVN, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng như cộng đồng sở tại.
Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm phụng sự vì cộng đồng, sự phối hợp tích cực của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi đã vượt qua những khó khăn ban đầu và từng bước triển khai sáng kiến này một cách hiệu quả.
Ông có thể chia sẻ về một số kế hoạch, định hướng tiếp theo của NXBGDVN trong việc tôn vinh tiếng Việt cũng như phát triển việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới?
TS. Phạm Vĩnh Thái: Trong thời gian tới, NXBGDVN sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với UBNN về NVNONN để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng của sáng kiến trao tặng Tủ sách tiếng Việt và một số hoạt động khác. Cụ thể:
Chúng tôi sẽ hoàn thành đủ bộ sách Chào tiếng Việt (do tác giả Nguyễn Thụy Anh biên soạn) với 6 cấp độ để hoàn thiện bộ giáo trình dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài. Đồng thời nghiên cứu, triển khai các phương án dạy học tiếng Việt phù hợp với nhu cầu của các địa bàn khác nhau; mở rộng hệ sinh thái xuất bản phẩm phục vụ việc dạy học tiếng Việt cũng như tăng cường bồi dưỡng, hỗ trợ giáo viên dạy tiếng Việt tại nước ngoài.
Theo kế hoạch từ đây đến năm 2030, chúng tôi sẽ tiếp tục trao tặng các Tủ sách tiếng Việt đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài, hướng tới mục tiêu trao tặng tối thiểu 03 tủ sách mỗi năm. Chúng tôi sẽ cố gắng đa dạng hoá nội dung sách, bổ sung thêm các tựa sách mới về ngôn ngữ, văn học, lịch sử, văn hoá, kinh tế - xã hội Việt Nam…. Trên cơ sở những sản phẩm đã làm được, NXBGDVN sẽ đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, giới thiệu và hướng dẫn sử dụng hệ sinh thái các sản phẩm số của NXBGDVN trong quá trình triển khai Tủ sách, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận của bà con NVNONN.
Chúng tôi hy vọng Tủ sách tiếng Việt sẽ trở thành một sáng kiến hữu ích, góp phần gìn giữ và phát triển tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN trên toàn thế giới.
Xin cảm ơn ông.