Trong đó, chương trình "Trao sinh kế, đổi vũ khí" không chỉ giúp thực hiện hiệu quả cuộc vận động người dân giao nộp vũ khí mà còn giúp người dân có thu nhập ổn định sau khi giao nộp vũ khí ở huyện biên giới Tây Giang. Đối với người dân vùng cao, thói quen sử dụng súng tự chế để săn bắt thú rừng vẫn còn ăn sâu trong đời sống và được xem như một phần sinh kế của họ.
Để thay đổi từ nhận thức đến thói quen, lực lượng công an địa phương đã tuyên truyền, định hướng chuyển đổi từ môi trường săn bắn sang mô hình chăn nuôi phù hợp để có thu nhập ổn định. Để làm được điều này, Công an huyện Tây Giang đã tuyên truyền đến từng thôn bản, hộ gia đình về việc tàng trữ vũ khí, săn bắn động vật rừng là vi phạm pháp luật; việc chăn nuôi sẽ giúp người dân có sinh kế bền vững hơn. Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, từ nguồn lực của huyện, lực lượng đã hỗ trợ các loại con giống như vịt xiêm, heo cỏ, heo rừng... tương ứng với chủng loại và số lượng vũ khí được giao nộp.
Hiện Công an huyện Tây Giang đã tiến hành nhân rộng mô hình “Trao sinh kế, đổi vũ khí” tại 63 thôn thuộc 10 xã trên địa bàn huyện nhằm thay đổi nhận thức, thói quen tàng trữ, sử dụng súng tự chế trái phép. Từ đó, góp phần loại bỏ những nguy hiểm tiềm ẩn của vũ khí, vật liệu nổ trôi nổi trong cộng đồng.
Thiếu tá Ngô Văn Thìn, Phó Trưởng Công an huyện Tây Giang, Quảng Nam, cho biết: “Bước đầu việc trao sinh kế, đổi vũ khí đã tạo nên nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Khi tặng sinh kế cho dân, chúng tôi chỉ tặng con giống nhỏ để người dân nhận thức được sự quý trọng con giống. Người dân cũng đã có nhận thức được về việc chuyển đổi hình thức canh tác, sản xuất từ săn bắt sang chăn nuôi, trồng trọt để ổn định cuộc sống. Chúng tôi cũng lập danh sách người dân được hỗ trợ sinh kế vào diện quản lý, nếu tiếp tục có hành vi chế tạo, tàng trữ vũ khí trái phép thì xử lý theo quy định để làm gương cho mọi người trên địa bàn”.