Sea Women of Melanesia được thành lập từ năm 2017, gồm những phụ nữ đến từ nhóm đảo Melanesian, hay gọi là quần đảo Solomon, ở Nam Thái Bình Dương, phía Đông Bắc Australia và phía Đông của Papua New Guinea. Với đam mê bảo tồn biển, họ được chọn để huấn luyện và cập nhật việc kết hợp kiến thức bản địa với khoa học, để khi quay trở lại cộng đồng của mình, họ thiết lập các khu bảo tồn biển nhằm cứu các rạn san hô. Mới đây, chương trình này đã giành được giải thưởng “Nhà vô địch của Trái đất”, trong hạng mục “Truyền cảm hứng và Hành động” do Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNEP) phát động.
Ý tưởng thành lập cộng đồng phụ nữ bản địa bảo vệ môi trường xuất hiện khi nhà sáng lập Quỹ Biển san hô, Tiến sĩ Andy Lewis, đang tá túc trong một cộng đồng bản địa biệt lập để thực hiện các nghiên cứu. Một phụ nữ địa phương quan tâm đến công việc của Tiến sĩ Lewis và hỏi liệu ông có thể khởi xướng một chương trình để “trao quyền” cho phụ nữ bản địa được làm công việc bảo tồn biển hay không. Từ câu hỏi này, vài năm sau, Quỹ Biển san hô đã thành lập Sea Women of Melanesia và hiện có hơn 40 thành viên đảm trách việc bảo vệ 43 vùng biển.
Những cộng đồng Sea Women of Melanesia nhắm đến là nơi mà nguồn sinh kế duy nhất là biển. Hơn 25% các loài sinh vật biển sống trong các rạn san hô và chúng góp phần bảo vệ bờ biển khỏi các đợt sóng dữ, bão, lũ lụt. Nhưng trong 70 năm qua, một nửa số rạn san hô trên thế giới đã bị mất và 90% có khả năng biến mất vào năm 2050 do biến đổi khí hậu.
Theo Euronews, Sea Women of Melanesia đào tạo cho phụ nữ địa phương các kỹ năng thiết yếu; bao gồm kiến thức về khoa học biển, cách thức lặn với ống thở và kỹ năng chụp ảnh dưới nước. Sau đó, họ giúp theo dõi và đánh giá tác động của việc tẩy trắng san hô trên diện rộng đối với một số rạn san hô có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Song song đó, khi kết hợp với khoa học, cộng đồng địa phương cũng có kiến thức để bảo vệ các rạn san hô. Evangelista Apelis - Giám đốc Sea Women of Melanesia - chỉ mới học hết lớp 12, không có bằng đại học, không có kiến thức về khoa học, nhưng rất đam mê bảo tồn biển. Hầu hết phụ nữ bản địa không có kiến thức về khoa học, nhưng họ có các cách mang tính địa phương phù hợp để giải quyết vấn đề bảo tồn. Các nhà khoa học học hỏi từ họ các kinh nghiệm bản địa, và truyền đạt kiến thức khoa học cho họ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao chỉ có phụ nữ địa phương được đào tạo? Chương trình đào tạo về bảo tồn biển không loại trừ nam giới nếu họ muốn tham gia, nhưng các nhà tổ chức tin rằng sự tham gia của phụ nữ sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho việc bảo tồn. Kết quả thực tế cho thấy, phụ nữ có tinh thần chịu trách nhiệm cao hơn, họ có xu hướng tạo ra kết quả. Ngoài ra, họ thường mang theo con cái của mình để dạy dỗ và định hướng.
“Khi bạn đào tạo một người phụ nữ, bạn đào tạo một xã hội” - đây cũng là cách tiếp cận mà Sea Women of Melanesia thực hiện để thu hút sự tham gia của cả cộng đồng. Và nó cũng mang lại cho phụ nữ một nền tảng để thực hiện vai trò lãnh đạo của họ.