Trào lưu trôi qua, rác thải ở lại

Trào lưu “xé túi mù” đang được các bạn trẻ quan tâm hàng đầu trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay.

Trào lưu trôi qua, rác thải ở lại

Thuật ngữ này ý chỉ việc mua hàng đầy bất ngờ, chỉ khi thanh toán, xé túi mới biết sản phẩm mình mua là gì. Các sản phẩm bán dạng này chủ yếu là đồ chơi hay quà lưu niệm.

“Xé túi mù” được cho là bắt nguồn từ Nhật Bản, nhiều cửa hàng kinh doanh đồ chơi tại quốc gia này nhằm giải quyết hàng tồn đã nghĩ ra giải pháp bán “túi mù” hay “hộp mù” (blind box) để kích cầu bằng việc tạo sự tò mò cho khách hàng. Từ Nhật Bản, trào lưu mua sắm có tính may rủi này nhanh chóng lan sang nhiều quốc gia khác.

Theo nền tảng thống kê thương mại điện tử Metric Việt Nam, từ đầu tháng 7 đến hết tháng 9-2024, tổng doanh thu của 539 cửa hàng kinh doanh sản phẩm “túi mù”, “túi may mắn”, “blind box”… trên 5 sàn thương mại điện tử lớn (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok shop) đạt khoảng 4,6 tỷ đồng.

Mỗi “túi mù” được rao bán trên mạng xã hội hiện nay có giá từ vài ngàn đồng đến dưới 1 triệu đồng. Tuy nhiên, các “túi mù” giá càng rẻ càng được chốt đơn nhanh chóng và dĩ nhiên sản phẩm người mua nhận về chỉ là vài món đồ chơi rẻ tiền, nên sau vài giây phút vui vẻ, đa số người mua cũng nhanh chóng quên đi món hàng.

Xem lại lịch sử “xé túi mù” của mình, Trần Ngọc Thanh Phương (24 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) giật mình, vì mua cho vui nhưng cũng “ngốn” gần 2 triệu đồng tiền lương. Thanh Phương kể: “Mỗi lần xé túi là một lần hồi hộp, không biết có phải là món đồ chơi mình đang tìm không, thấy túi mù là chốt đơn để săn bằng được con búp màu hồng hay chú vịt nâu cho đủ để bộ sưu tập. Mua cho vui nhưng tốn tiền là thiệt! Bộ sưu tập hình con vịt hay gấu, có đủ rồi mình chụp hình khoe với bạn bè là xong, bỏ xó một góc, lâu rồi cũng chả biết nó lăn đi đâu”.

“Xé túi mù” cho vui, một kiểu cá cược với độ hên, xui của chính mình chỉ là trào lưu thoáng qua trong chốc lát, nhưng rác thải nhựa để lại môi trường gánh chịu thì ngày càng nhiều, khi các sản phẩm bên trong và bao bì “túi mù” chủ yếu làm từ nhựa.

Không ít người trẻ ủng hộ lối sống xanh, bền vững cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường trăn trở khi một bộ phận bạn trẻ bị cuốn theo “túi mù”. Bởi, những món đồ chơi chỉ để chụp hình khoe với nhau cho vui sau đó trở thành rác thải nhựa, chất chồng theo từng đợt chốt đơn “túi mù”.

Tin cùng chuyên mục