Ngày 25-7, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã tổ chức trao lại hồ sơ, kỷ vật của 15 cán bộ đi B cho đại diện thân nhân, gia đình và khai mạc triển lãm Kỷ vật thời thanh xuân.
Lễ đã trao trả, hồ sơ, kỷ vật lần này đã trao cho 15 gia đình cán bộ đi B, phần lớn là tại Hà Nội, trong đó có trường hợp trả vàng cho thân nhân gia đình cán bộ đi B Lê Đình Khương (quê ở Bình Định, sinh sống tại Hải Phòng).
Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, hiện đã xây dựng được 72.000 hồ sơ cán bộ đi B. Đây là toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, kỷ vật được hình thành trong quá trình hoạt động của cán bộ, công nhân viên thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể địa phương được cử vào Nam công tác; hồ sơ từ các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc công tác, an dưỡng, chữa bệnh, sau đó trở về miền Nam.
Lễ đã trao trả, hồ sơ, kỷ vật lần này đã trao cho 15 gia đình cán bộ đi B
Trước khi vào Nam, theo quy định, các cán bộ đi B phải gửi lại toàn bộ tư trang, hành lý, đồ dùng, vật dụng, giấy tờ và cả tài sản cá nhân cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ. Trong mỗi bộ hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, ngoài tài liệu phản ánh những thông tin cá nhân như sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Đảng, sổ Đoàn… còn có nhiều kỷ vật như huân chương, huy chương, giấy khen, bằng khen, album ảnh, nhật ký, sổ tay, thẻ tiết kiệm, công trái, vàng… Trong khối tài liệu nói trên, chiếm một phần rất lớn là hồ sơ của các y sĩ, bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, các nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo… vào Nam công tác theo con đường dân sự do Ủy ban Thống nhất Chính phủ quản lý. Sau khi Ủy ban Thống nhất Chính phủ giải thể năm 1976, hồ sơ, kỷ vật được chuyển về cho Ban Tổ chức Trung ương.
Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, hiện đã xây dựng được 72.000 hồ sơ cán bộ đi B
Tháng 8-1981, Ban Tổ chức Trung ương đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu của Ủy ban Thống nhất Chính phủ, trong đó có khối hồ sơ, kỷ vật chuyển về cho Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước quản lý, hiện nay đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Trung tâm đã chỉnh lý khoa học khối tài liệu này, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu để tra cứu trên mạng Internet, triển khai Đề án sao và trả hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B, trong đó đã trao Danh mục và sao trả 55.722 bản sao hồ sơ cán bộ đi B về Chi cục Văn thư, lưu trữ của 63 tỉnh, thành phố, phục vụ việc nhận lại hồ sơ của cán bộ đi B.
Sau khi tiếp nhận, các địa phương đã chủ động tuyên truyền, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng về danh sách cán bộ đi B và tổ chức Lễ trao trả hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ đi B.
Nhiều năm gần đây, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cũng đã đón tiếp và phục vụ các cán bộ đi B, thân nhân có nhu cầu về thông tin và nhận kỷ vật tại Phòng Đọc Trung tâm, đồng thời tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm về hồ sơ, kỉ vật của cán bộ đi B ở các tỉnh, thành phố.
Khoảng 200 hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B đã được trưng bày tại triển lãm Kỷ vật thời thanh xuân
Nhân dịp này, Trung tâm cũng đã chọn lọc khoảng 200 hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B thuộc các tỉnh thành thể hiện sự quyết tâm, tình nguyện đi B cùng nhân dân cả nước sát cánh cùng đồng bào miền Nam kháng chiến để trưng bày tại triển lãm Kỷ vật thời thanh xuân . Đây là một phần ký ức, câu chuyện về cuộc đời của cán bộ đi B, một phần rất nhỏ thuộc khối tài liệu hồ sơ, kỷ vật đang được bảo quản tại Trung tâm.
Qua triển lãm, ban tổ chức mong muốn giới thiệu rộng rãi khối hồ sơ, kỷ vật nhằm thiết thực thông tin để cán bộ đi B và người thân sớm biết được và nhận lại hồ sơ kỷ vật của mình. Đồng thời, Trung tâm cũng mong muốn được tiếp nhận những kỷ vật chiến trường và kỷ vật sau chiến tranh của những cán bộ đi B để quản lý trọn vẹn những ký ức, kỷ vật xuyên suốt hành trình ra đi và trở về của những người đã cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.