Đây là những sinh viên đã được nhận học bổng toàn khóa từ năm 2015 và 2016. Mỗi suất học bổng trị giá 8 triệu đồng, do gia đình bác sĩ Tạ Trung Quấc và Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn tài trợ thông qua việc đóng góp vào Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng.
Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng được thành lập năm 1998, từ ước nguyện cao đẹp trước khi qua đời của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, người thầy thuốc mẫu mực của ngành y tế Việt Nam. Mục đích của quỹ là giúp đỡ các sinh viên ngành y và dược có hoàn cảnh khó khăn biết vươn lên học tập tốt, và hướng đến hỗ trợ các nữ hộ sinh thôn bản, các y bác sĩ tình nguyện công tác ở vùng sâu vùng xa. Qua 22 năm không ngừng xây dựng và phát triển, quỹ đã có sức lan tỏa cao, khẳng định ý nghĩa xã hội lớn đối với cộng đồng. Trên 10 tỷ đồng vận động được đã trợ giúp cho hơn 1.800 lượt sinh viên, bác sĩ có thêm điều kiện thực hiện giấc mơ blouse trắng. Từ đó, hàng ngàn sinh viên đã trưởng thành, không ít người thành đạt trong công tác chuyên môn cũng như ở vị trí quản lý tại các bệnh viện (BV), góp phần xây dựng và phát triển nền y tế nước nhà, như các bác sĩ: Trần Ninh Bảo Thi (Phó Giám đốc BV Huyện Cần Giờ); Dương Anh Vũ (BV Tai Mũi Họng TPHCM); Lai Khánh Vân (BV Từ Dũ); Cao Thị Lan Hương, Dương Thị Cẩm Tuyên (BV Trưng Vương); Nguyễn Lê Huy Anh, Phan Thanh Thanh Vân (BV Quận Thủ Đức)…
Tầm nhìn mới - cách thức mới
Năm 2020, với tầm nhìn mới, Hội đồng quản lý Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng đã quyết định đưa ra các tiêu chí, hướng đi mới cho hoạt động của quỹ những năm tiếp theo. Quỹ không chỉ giúp đỡ các sinh viên nghèo vượt khó mà còn đồng hành cùng các em, đặt ra mục tiêu, giúp các em phấn đấu học tập và rèn luyện để trở thành những bác sĩ giỏi, tận tâm với nghề, tâm huyết với xã hội. Theo đó, đối tượng được xét cấp học bổng là sinh viên y khoa có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực vươn lên trong học tập. Học bổng được duy trì trong suốt 6 năm đại học với điều kiện sinh viên đáp ứng được các yêu cầu khá cao cuối mỗi năm học về học lực, rèn luyện và tích cực tham gia các hoạt động xã hội cộng đồng. Mức học bổng trung bình là 25 triệu đồng/năm/suất. Ngoài đối tượng sinh viên, quỹ cũng sẽ xem xét nhu cầu được hỗ trợ của các bác sĩ ra trường hoàn cảnh khó khăn, có nguyện vọng và đủ điều kiện tiếp tục học chuyên sâu; y bác sĩ, cán bộ y tế tình nguyện phục vụ ở vùng sâu, vùng xa; các nữ hộ sinh thôn bản. Hội đồng quản lý xem xét từng hồ sơ cụ thể, qua các bước xác minh của nhà trường, đơn vị công tác và tại địa phương người nộp đơn đang sinh sống để có quyết định hỗ trợ phù hợp. Đợt đầu tiên xét trao học bổng theo tiêu chí mới sẽ tiến hành ngay sau kỳ tuyển sinh đại học năm 2020.
Đồng tình với định hướng mới của Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng, sau buổi lễ, Công ty TNHH Zuellig Pharma Việt Nam, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh, gia đình BS Nguyễn Văn Hưởng, Công ty Dược Mỹ phẩm May và một số cá nhân đã nhận bảo trợ 10 suất học bổng toàn phần, bắt đầu từ năm 2020.
Cũng tại lễ trao học bổng, Câu lạc bộ MedSeeds (Những hạt mầm y khoa) đã ra mắt ấn tượng, thể hiện mong muốn được kết nối, được chia sẻ của các sinh viên trong đại gia đình học bổng Nguyễn Văn Hưởng. Hồ Châu Âu (sinh viên Y16, Trường Đại học Y Dược TPHCM, Chủ nhiệm Câu lạc bộ MedSeeds) bày tỏ: “Nhận sự hỗ trợ từ Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng, chúng em - những sinh viên đang khao khát học hỏi và cống hiến, đều mong muốn được góp sức mình cùng phát triển quỹ học bổng ngày càng lớn mạnh hơn. Chúng em tin rằng Câu lạc bộ MedSeeds sẽ là nơi tập hợp, gắn kết các thế hệ sinh viên đã, đang, sẽ nhận học bổng, để cùng làm những điều có ích cho bản thân, cho cộng đồng, cho xã hội; để cùng trở thành những thầy thuốc có tâm, có tài, như hội đồng quản lý và các nhà tài trợ đã kỳ vọng”.
Phần giao lưu tại lễ trao học bổng vào sáng 19-7 cũng là dịp để sinh viên các khóa giao lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm học tập với nhau; tham vấn ý kiến thầy cô và các anh, chị đi trước. Nỗ lực học tập trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, bạn Nguyễn Thị Hoài Thanh, sinh viên năm cuối Trường Đại học Y Dược TPHCM, băn khoăn về việc lựa chọn chuyên ngành, làm thế nào để khi ra trường có thể vừa làm tốt công việc, vừa chăm lo chu toàn cho gia đình. Chia sẻ nỗi băn khoăn hết sức thực tế này, bác sĩ Cao Xuân Minh, Giám đốc Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh, thành viên Hội đồng quản lý quỹ, đồng thời là mạnh thường quân của quỹ, đưa ra lời khuyên: Hãy chọn ngành đúng với đam mê của mình và làm nghề một cách tử tế. Làm việc một cách say mê và nghiêm túc, nghề y sẽ không phụ bất kỳ ai. Ở một góc nhìn khác, bạn Nguyễn Thái Nguyên, sinh viên năm 3 Trường Đại học Y Dược TPHCM, mong muốn biết kinh nghiệm xử trí nếu gặp trường hợp bệnh nhân từ chối điều trị vì khó khăn kinh tế. Bác sĩ Nguyễn Lê Huy Anh, công tác tại Bệnh viện Quận Thủ Đức, một cựu sinh viên đã trưởng thành từ học bổng Nguyễn Văn Hưởng, chia sẻ nhiều giải pháp: Hãy liên hệ với phòng công tác xã hội của các bệnh viện, các quỹ xã hội từ thiện như Quỹ hỗ trợ bệnh nhân cơ nhỡ của Báo SGGP, kể cả trang xã hội của cá nhân mình… Đây đều là các kênh để có thể cứu giúp bệnh nhân nghèo. |