Trong đợt lũ lụt vừa qua, Trường THPT Ỷ La (TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) có 14 phòng học, phòng chức năng bị ngập sâu; hệ thống camera, các thiết bị điện, thiết bị dạy học, toàn bộ sách của thư viện bị hư hại…, ước tính thiệt hại 450 triệu đồng.
Theo thầy Nguyễn Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng nhà trường, 1/3 học sinh của nhà trường là học sinh vùng sâu, xa, nhiều em học xa nhà hơn 20km. Đợt lũ vừa qua, hơn 250 học sinh của nhà trường ở vùng ngập sâu, rất khó khăn, do đó phần học bổng của bạn đọc dành cho các em là sự hỗ trợ hết sức quý giá để các em vững bước đến trường.
Nhận phần học bổng do Báo SGGP trao tặng, em Vũ Thị Bích Thảo, lớp 10A4 xúc động chia sẻ, học bổng này sẽ giúp em mua lại đồ dùng học tập đã bị nước lũ làm hỏng.
Trước những thiệt hại của gia đình các em học sinh, đoàn công tác Báo SGGP đã trao hỗ trợ từ chương trình “Thắp sáng niềm tin – Vượt khó đến trường” của Báo, trao 60 suất học bổng và 60 áo ấm đến 60 em học sinh Trường THPT Ỷ La.
Rời Trường Ỷ La, đoàn công tác Báo SGGP đến với Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS-THPT huyện Chiêm Hóa, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang cũng là nơi bị ảnh hưởng nặng nề của bão lũ.
Đã 20 ngày trôi qua, thầy Mai Quang Khuê, Phó Hiệu trưởng nhà trường vẫn nhớ như in cảnh tượng cơn lũ dữ từ ngày 9 đến 12-9. “Khi nước lũ dâng cao, chúng tôi đã chạy đua, kịp di chuyển toàn bộ 480 học sinh và đồ dùng thiết yếu của học sinh lên khu vực lớp học và nhà làm việc, đảm bảo an toàn cho các em. Các thầy cô giáo cũng di chuyển bếp ăn và toàn bộ đồ dùng nấu ăn lên trường để phục vụ nấu ăn cho học sinh trong các ngày ngập lụt. Phụ huynh nhờ thế rất yên tâm trong những ngày ngập lụt học sinh được ở lại trường”, Phó Hiệu trưởng nhà trường kể lại.
Tuy nhiên, nước dâng cao chưa từng thấy, toàn bộ khu ký túc xá học sinh ngập tầng 1; khu nhà ăn, nhà bếp, nhà đa năng, nhà công vụ giáo viên ngập đến nóc. Lũ lụt đã làm toàn bộ hệ thống điện và các công trình vệ sinh bị hỏng; giường, chăn, chiếu của học sinh bị hỏng không sử dụng được. Khu nhà ăn, nhà bếp bị sụt lún, nền bếp, rạn tường…
Khu vực trường ở vị trí thấp, bị ngập sâu, thời gian ngập dài, nhưng nhà trường không những bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh mà còn phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên hỗ trợ nhiều hộ gia đình khu dân cư tổ Vĩnh Thiện di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn và cho một số hộ gia đình (25 người) ở nhờ trên lớp học, cung cấp các bữa ăn cho bà con. Chỉ khi lũ rút, bảo đảm an toàn, nhà trường mới thông báo phụ huynh đón học sinh về nhà để nhà trường khắc phục thiệt hại sau ngập lụt.
May mắn bảo đảm an toàn cho tất cả các em học sinh, nhưng nhìn hiện trạng ngôi trường với nhiều hư hại, khu bếp ăn bị nứt không bảo đảm an toàn cho học sinh khiến nhà trường phải di dời, thầy Khuê chỉ mong cơ quan chức năng sớm xây dựng trường mới để đảm bảo việc ăn học cho 480 học sinh nội trú (đa số là con em đồng bào dân tộc Tày).
Nhận học bổng của Báo SGGP, em Phùng Yến Vi, học sinh lớp 9B (người dân tộc Dao đỏ) kể chuyện, nhà em ở xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình, cách trường 31km. Ở nội trú, hàng tháng em chỉ được về nhà 1 lần, nhà nghèo chỉ trông mong vào phần ruộng, “phần học bổng của Báo SGGP em sẽ dành một ít mua đồ dùng học tập, một phần đưa cho bố mẹ”, Vi chia sẻ.
Em Triệu Thị Nguyệt Ánh, dân tộc Pà Thèn (học sinh lớp 8A cũng đi học xa nhà hơn 30km, bố mẹ làm ruộng, năm ngoái gia đình từng xảy ra sự cố bị hỏa hoạn, nhà bị cháy hết, nhưng vượt lên tất cả khó khăn), cho biết, ước mơ của Ánh là được du học Trung Quốc, học thật giỏi để về xây dựng quê hương…
Trước những thiệt hại của nhà trường và gia đình các em học sinh, đoàn công tác Báo SGGP đã trao gói hỗ trợ bằng tiền mặt 250 triệu đồng cho Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS-THPT huyện Chiêm Hóa, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, trong đó, 200 triệu đồng tu bổ, sửa sang trường lớp và 40 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn cùng 40 chiếc áo ấm (trị giá 10 triệu đồng) chuẩn bị cho mùa đông tới.
Phát biểu tại lễ trao học bổng cho học sinh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Bùi Thị Hồng Sương nhấn mạnh, hơn 49 năm hình thành - từ năm 1975 đến nay, Báo SGGP - cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam TPHCM, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM luôn thể hiện trách nhiệm của một cơ quan báo Đảng. Bên cạnh nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, các chương trình vì cộng đồng, vì sự phát triển của xã hội, đặc biệt là với các em học sinh, sinh viên luôn được chú trọng, tiếp nối qua các thế hệ những người làm Báo SGGP.
Trong những ngày đồng bào cả nước hướng về miền Bắc sau cơn bão số 3, ngoài các hoạt động cứu trợ khẩn cấp cho người dân các tỉnh trên hành trình tác nghiệp của phóng viên Báo SGGP, Chương trình “Thắp sáng niềm tin – Vượt khó đến trường” của Báo hơn bao giờ hết mong muốn được chia sẻ phần nào khó khăn của nhà trường, của thầy cô giáo và các em học sinh ở các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề do bão, lũ gây ra. Những địa bàn là tâm lũ như Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ… là những nơi mà Báo SGGP nghĩ đến đầu tiên trong kế hoạch hỗ trợ học sinh trở lại trường sau bão.
Tới đây, Báo SGGP sẽ tiếp tục đi đến những nơi mà bà con, các em học sinh vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn như Cao Bằng, Lào Cai… để tiếp tục trao gửi tấm lòng của bạn đọc Báo SGGP.
Sự chia sẻ ấm áp của bạn đọc Báo SGGP lúc này sẽ góp phần chung tay cùng với “suối nguồn tình cảm” mà nhân dân cả nước dành cho đồng bào vũng lũ, giúp các em học sinh nhanh chóng quay trở lại với nhịp sinh hoạt và học tập bình thường.
>> Chùm ảnh đại diện Báo SGGP trao hỗ trợ cho nhà trường, học sinh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: TRẦN LƯU - PHAN THẢO