Nhà đầu tư dự án là Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd. (DOE Singapore), đối tác đầu tư chiến lược cam kết của dự án là Tập đoàn GE (Hoa Kỳ), Ngân hàng DNB (Na Uy) và đại diện nhiều tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới thuộc các lĩnh vực khác nhau trong chuỗi liên kết đầu tư dự án.
Đây là dự án tích hợp tổng thể gồm nhà máy điện có tổng công suất thiết kế 3.200MW trên diện tích đất 40ha tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 93.600 tỷ đồng (tương đương khoảng 4 tỷ USD). Đây là dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài (FDI) lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ trước tới nay.
Theo kế hoạch, nhà đầu tư có 12 tháng kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đến cuối tháng 12- 2020) để hoàn thành chuẩn bị đầu tư (giai đoạn phát triển dự án) và 36 tháng để triển khai xây lắp khu tiếp nhận, lưu trữ LNG; Trạm tái hóa khí, đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy tua bin khí giai đoạn 1 (công suất 750MW) vào cuối năm 2023; tiếp lục xây lắp và đưa vào vận hành các tổ máy còn lại của dự án để đạt đủ công suất 3.200MW trước tháng 12-2027 theo quy hoạch điện VII.
Giá bán điện của dự án sẽ được xác định theo quy định pháp luật qua thương thảo Hợp đồng mua bán điện PPA với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính toán sơ bộ trong nghiên cứu tiền khả thi khoảng 7 UScents/kwh (7 cents đô la Mỹ/KWh) như cam kết ban đầu của nhà đầu tư, đòi hỏi cần có nỗ lực chung của cả nhà đầu tư cũng như của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (cơ quan thay mặt nhà nước mua điện của nhà máy) và Bộ Công thương.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định: "Dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu là dự án trọng điểm của tỉnh, có vai trò tạo động lực để chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh. Dự án sẽ tạo thêm hàng ngàn việc làm, hàng chục tỷ đồng tiền thuế nhà thầu trong thời gian xây dựng và hàng ngàn việc làm trực tiếp và gián tiếp, hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế các loại khi nhà máy đi vào vận hành”.