Trao giải thưởng Doanh nghiệp xanh TPHCM năm 2023: Nền tảng phát triển bền vững

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ 4 năm 2023 do UBND TPHCM chủ trì, hôm nay 13-9, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM phối hợp Báo SGGP và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ trao giải thưởng danh hiệu Doanh nghiệp xanh TPHCM năm 2023.

Nâng cao năng lực, thương hiệu

Đại diện ban tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết, giải thưởng Doanh nghiệp xanh TPHCM năm 2023 là giải thưởng lần đầu tiên được tổ chức và sẽ được UBND TPHCM duy trì thường niên.

Năm nay, giải thưởng chính thức được phát động triển khai từ tháng 5 với 3 mục đích cốt lõi: tôn vinh, khen thưởng, khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ các quy định về xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, có nhiều nghiên cứu và sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường; tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, nâng cao tính cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế.

Công nhân giám sát dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH SX-TM Tân Quang Minh - BIDRICO, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Công nhân giám sát dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH SX-TM Tân Quang Minh - BIDRICO, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cho đến nay, ban tổ chức đã tiếp nhận hơn 120 hồ sơ doanh nghiệp đăng ký tham gia giải thưởng và đã xét chọn hơn 90 doanh nghiệp để đề cử trao danh hiệu Doanh nghiệp xanh. PGS-TSKH Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường, thành viên hội đồng thẩm định, cho biết, hội đồng đã phân tích sâu các tiêu chí để chọn lọc được 90/120 doanh nghiệp đề cử cho danh hiệu lần này; các doanh nghiệp đã trải qua 2 vòng đánh giá của hội đồng thẩm định và hội đồng xét chọn.

Theo đó, tùy theo loại hình hoạt động là doanh nghiệp sản xuất hay doanh nghiệp thương mại, dịch vụ và bất động sản mà tiêu chí đánh giá được áp dụng xét chọn cũng khác nhau.

Trong đó, các tiêu chí phải đảm bảo: doanh nghiệp xử lý toàn bộ chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường; hoàn thành nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội; có trình độ công nghệ sản xuất, xử lý chất thải hiện đại; áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất và quản trị; sản phẩm thân thiện môi trường; áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng; sử dụng nguyên vật liệu thân thiện môi trường; doanh nghiệp có đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường tại đơn vị và cộng đồng, nâng cao nhận thức của người lao động; có các dự án bảo vệ môi trường…

Với việc xét chọn và trao danh hiệu Doanh nghiệp xanh, ban tổ chức mong muốn góp phần chia sẻ những thông tin liên quan đến các rào cản kỹ thuật xanh đang được áp dụng phổ biến tại thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, giải thưởng tạo ra động lực do doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số nhằm bắt kịp xu hướng tăng trưởng xanh đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu.

“Tấm hộ chiếu” của doanh nghiệp

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn TPHCM, thành viên hội đồng thẩm định giải thưởng, xanh hóa đã trở thành “luật chơi” mới trên thị trường trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi xanh nếu muốn tồn tại, phát triển và hòa nhập với thị trường toàn cầu. Điều này không ngoài mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững.

Hiện các thị trường nhập khẩu quan trọng đã triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có “dấu chân carbon” lớn. Và với nền kinh tế định hướng về xuất khẩu như Việt Nam, việc đi theo con đường này của các doanh nghiệp là tất yếu.

Trên thực tế, hiện Việt Nam đã ký kết 16/19 hiệp định thương mại tự do. Điều này đã mở ra thị trường xuất khẩu rộng lớn, tạo cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị phần cho doanh nghiệp trong nước. Thống kê từ Bộ Công thương đã chỉ rõ, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã hiện diện trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 50 thị trường xuất khẩu tiềm năng và chủ lực.

Tuy nhiên, cùng với những lợi thế mà hiệp định thương mại tự do mang lại, doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với hàng rào phi thuế quan ngày càng khắt khe do các nước nhập khẩu dựng lên, đáng lo ngại nhất là rào cản kỹ thuật về môi trường.

Xuất phát từ thực tế đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Chính phủ đã khẳng định “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”.

Hệ thống sản xuất thuốc tự động tại Nhà máy dược phẩm An Thiên, Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hệ thống sản xuất thuốc tự động tại Nhà máy dược phẩm An Thiên, Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

TPHCM cũng đã phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện “Chiến lược tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn TPHCM đến năm 2030”, gồm 17 chủ đề về định hướng phát triển bền vững và 18 chủ đề triển khai thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. TPHCM sẽ tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân; tăng cường quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên; đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Mặt khác, TPHCM cũng tập trung xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn kết với các mục tiêu tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững; thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh; tích hợp tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy cho tăng trưởng xanh, hội nhập và hợp tác quốc tế…

“Có thể thấy, cùng với chiến lược tăng trưởng xanh mà Chính phủ cũng như TPHCM ban hành thì việc tổ chức xét chọn và trao danh hiệu Doanh nghiệp xanh TPHCM năm 2023 là “tấm hộ chiếu xanh”, giúp doanh nghiệp vượt các rào cản xanh, vươn mình mở rộng thị phần xuất khẩu tại các thị trường trên thế giới cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực cung ứng sản phẩm, hàng hóa cho thị trường nội địa.

Chuyển đổi xanh sẽ là cơ hội để doanh nghiệp vượt qua thách thức và bắt kịp được đà phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển như vũ bão trên toàn cầu”, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM khẳng định.

Ông ĐỖ THẮNG HẢI,Thứ trưởng Bộ Công thương: Chuyển đổi xanh phù hợp với thị trường

Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… được khuyến cáo là sẽ áp dụng triệt để các rào cản xanh để thúc đẩy tăng trưởng xanh cho nền kinh tế của họ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2023 của Việt Nam ước đạt 227,7 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, nếu xét riêng kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước, đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng. Điều này cho thấy, doanh nghiệp trong nước sau một thời gian bị mất đơn hàng vì thiếu xanh hóa sản xuất cũng đã chuyển đổi, đáp ứng được nhiều rào cản xanh mà các thị trường xuất khẩu đặt ra.


Nền kinh tế xanh của Việt Nam sẽ đạt 300 tỷ USD vào năm 2050

Công bố của Ủy ban Châu Âu gần đây cho biết, quy mô thị trường toàn cầu hiện nay cho các sản phẩm và dịch vụ xanh ước đạt trên 5.000 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với thị trường truyền thống.

Dự báo năm 2024, nền kinh tế xanh sẽ tạo 24 triệu việc làm. Cùng xu hướng này, theo Bộ KH-ĐT, nền kinh tế xanh Việt Nam đang phát triển nhanh chóng từ quy mô 6,7 tỷ USD (năm 2020) lên đến 300 tỷ USD (năm 2050).

Tin cùng chuyên mục