Trao giải Liên hoan Nghệ thuật Múa TPHCM mở rộng năm 2024

Tối 21-10, tại Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam, quận Tân Bình, Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Liên hoan Nghệ thuật Múa TPHCM mở rộng lần thứ 8 năm 2024.

Trao giải Liên hoan Nghệ thuật Múa TPHCM mở rộng năm 2024

Sau 3 ngày thi diễn liên tục, hơn 30 tiết mục múa đã đem đến cho Liên hoan Nghệ thuật Múa TPHCM mở rộng năm 2024 nhiều sắc màu nghệ thuật tươi mới, thú vị, cuốn hút. Các biên đạo, diễn viên múa trẻ đã có được những giờ phút thể hiện tài năng, kỹ thuật trình diễn ngôn ngữ múa và cùng cổ vũ tinh thần say mê nghề của đồng nghiệp.

To in Giai Phong.JPG
Tiết mục múa "Giờ hành động - Tổ in Giải Phóng". Ảnh: THÚY BÌNH
Keomoni - DG Khomer.JPG
Tiết mục múa "Keomoni". Ảnh: THÚY BÌNH

Qua từng tiết mục thi diễn tại liên hoan, những người trẻ yêu múa nhìn nhận sân chơi nghệ thuật hấp dẫn này đã giúp ích rất nhiều, là cơ hội quý để học hỏi thêm kinh nghiệm, kiến thức mới mẻ từ những tác phẩm múa được đầu tư dàn dựng công phu.

Trong chương trình tổng kết và trao giải liên hoan múa năm nay, có 6 tiết mục múa đặc sắc: Phận ngọc, Giờ hành động, Khúc tráng ca vườn cau đỏ, Keomoni, Mảnh ghép, Những chiến sĩ thời bình, đã lần lượt trình diễn, thể hiện những sắc màu nghệ thuật múa thật đẹp, độc đáo.

Tiết mục múa "Khúc tráng ca vườn cau đỏ". Clip: THÚY BÌNH

NSND Hà Thế Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM, Chủ tịch Hội đồng giám khảo liên hoan đã nhận xét tổng kết: “Các tác phẩm tham dự lần này không tăng về số lượng so với những kỳ liên hoan trước đó, nhưng chất lượng của nhiều tác phẩm đã đem đến cho liên hoan một diện mạo mới. Với đội ngũ sáng tạo là lực lượng diễn viên chuyên nghiệp, các tác phẩm dự thi đều có chủ đề thiết thực, màu sắc vùng miền khá rõ nét, bố cục, thiết kế sân khấu, trang phục phù hợp, có sự đầu tư ý tưởng nội dung chặt chẽ, kết cấu bám sát ý tưởng, chủ đề, cùng với việc lựa chọn âm nhạc khéo léo đã mang lại nhiều cảm xúc. Thể loại múa đương đại vẫn được các tác giả vận dụng nhiều. Thể loại múa dân gian dân tộc và truyền thống có số lượng tác phẩm dự thi không nhiều nhưng tiêu biểu và có chọn lọc đầu tư. Hình thức múa ít người (solo, duo, múa nhỏ) chiếm tỷ lệ cao. Nhiều đề tài mới, góc nhìn mới, được đầu tư dàn dựng cho thấy rõ nét tính tích cực của đội ngũ biên đạo trẻ ngành múa TPHCM hôm nay…”.

Tiết mục múa "Người chiến sĩ thời bình". Clip: THÚY BÌNH

BTC đã quyết định trao 42 giải thưởng cho tác phẩm và các cá nhân xuất sắc.

Trong đó, giải A thuộc về tác phẩm Phận ngọc (biên đạo: Hà Thanh Hậu); giải B trao cho tác phẩm Khúc tráng ca vườn cau đỏ (biên đạo: Hoàng Đào Vương An, Nguyễn Thị Thảo, của Đoàn Văn công Quân khu 7); hai giải C trao cho tác phẩm Nơi bình minh yên tĩnh (biên đạo: Tùng Trần, Công ty Con Chim Xanh) và Người còn lại (biên đạo: Mai Trọng Phước, Vũ Minh Tân, Điền Bùi, thuộc vũ đoàn The Sun). BTC trao thêm 9 giải khuyến khích.

Về giải thưởng cho các cá nhân xuất sắc, có 4 giải A được trao cho các diễn viên Nguyễn Hà Lộc (diễn tác phẩm Phận ngọc), Nguyễn Viết Huy Phong (tác phẩm Dấu thời gian), Ngân Thị Thuận Hà (tác phẩm Khúc tráng ca vườn cau đỏ), Thạch Hiểu Lăng (tác phẩm Thuốc). BTC cũng trao 10 giải B, 10 giải C và 5 giải khuyến khích.

Tin cùng chuyên mục