Trao giải cuộc thi viết “Tết nay - Tết xưa”: Để ký ức dẫn tương lai

Sáng 20-4, cuộc thi viết “Tết nay - Tết xưa” khép lại với lễ trao giải đầy xúc động tại trụ sở Báo SGGP. Trong không gian ấm cúng, một buổi lễ nhỏ gọn đủ để những câu chuyện được kể ra, lan tỏa…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Ban tổ chức, các đơn vị tài trợ và các tác giả đoạt giải
Ban tổ chức, các đơn vị tài trợ và các tác giả đoạt giải

Kết nối, giữ gìn cho mai sau

Từ sáng sớm, cô Đặng Ngọc Lan (tỉnh Lâm Đồng) đã có mặt tại Báo Sài Gòn Giải Phóng để dự lễ trao giải. Cô nói: Ban tổ chức thông báo tôi đoạt giải nhưng giữ bí mật thứ hạng. Dù giải mấy, tôi cũng đi TPHCM nhận giải. Tôi mong muốn được “check in” với bảng tên Báo Sài Gòn Giải Phóng từ lâu, vì đây là tờ báo uy tín mà tôi chọn đọc mỗi ngày nên đoạt giải gì, tôi vẫn thấy vinh dự”.

Là một giáo viên dạy văn về hưu, cô Lan lấy nghiệp viết làm niềm vui tuổi xế chiều. Ngay khi thấy Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức cuộc thi viết “Tết nay - Tết xưa”, cô Lan và nhiều tác giả khác đã được dịp trải lòng, nói hết những kỷ niệm, nỗi niềm sâu kín.

Nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, Phó Ban Tổ chức cuộc thi, chia sẻ: Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, Báo Sài Gòn Giải Phóng còn tổ chức nhiều hoạt động sau mặt báo để phục vụ bạn đọc, kết nối cộng đồng. Khi chuẩn bị cho kế hoạch Xuân Giáp Thìn 2024, Báo Sài Gòn Giải Phóng điện tử dự định tổ chức một cuộc thi. Thông thường, báo điện tử phải gắn với những cuộc thi mới mẻ, gắn với người trẻ, chuyển đổi số... nhưng càng bàn sâu, chúng tôi quyết định quay về với cuộc thi hết sức truyền thống này. Ngay khi công bố ý tưởng, cuộc thi nhận ngay được sự đồng hành của các nhà tài trợ, càng bất ngờ hơn là sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều cây viết chuyên, không chuyên trong và ngoài nước.

Gần 1.000 bài dự thi được gửi về ban tổ chức, trong đó có 700 bài dự thi hợp lệ và hơn 200 bài vượt qua vòng sơ khảo để đăng trên báo, là những con số rất ấn tượng. Với nhiều độc giả, sân chơi “Tết nay - Tết xưa” là nơi để gửi gắm những chân tình, bày tỏ yêu thương và giải bày khát vọng. Đó cũng là cách mà những điều đẹp đẽ được tiếp nối, giữ gìn.

“Không chỉ bất ngờ về số lượng, chất lượng các tác phẩm dự thi khá cao, đồng đều. Ban giám khảo cân nhắc rất kỹ để chọn ra 9 tác phẩm ấn tượng nhất từ hơn 700 tác phẩm. Giá trị của cuộc thi không chỉ chọn ra tác phẩm để trao giải, mà mong muốn lan tỏa những giá trị truyền thống thiêng liêng của người Việt dù ở đâu, bất cứ lứa tuổi nào... Cuộc thi như một sợi dây kết nối, giữ gìn những giá trị”, nhà báo Nguyễn Khắc Văn nhấn mạnh.

Tại lễ trao giải, tác giả Thanh Loan đã xúc động đến rơi nước mắt khi bài viết Cái tết của người già được trao giải nhất. Nhiều lần được đón tết cùng gia đình chồng ở Canada, tác giả càng thêm trân trọng những giá trị của ngày tết.

Chị Thanh Loan bồi hồi chia sẻ: Tôi xúc động đến mức không biết nói cảm giác của mình sao cho mạch lạc. Cảm ơn ban tổ chức đã tổ chức một cuộc thi ý nghĩa để ghi nhận và lưu giữ những cái tết giản dị, mộc mạc trong tâm thức của người Việt. Tương lai, gia đình tôi ra nước ngoài định cư. Có xa xứ mới thêm hiểu, quý trọng những giá trị truyền thống. Tôi mong Báo Sài Gòn Giải Phóng tiếp tục có những cuộc thi ý nghĩa như “Tết nay - Tết xưa” để độc giả có cơ hội được chia sẻ những tâm tư, tình cảm giản dị.

Giữa những ngày tháng 4, cái nóng phương Nam oi nồng, nhưng tại hội trường lễ trao giải, những sẻ chia như một miền thanh lành lan tỏa. Với người Việt, tết được định nghĩa là tình thân, là trở về sum họp đoàn viên, là khoảnh khắc để nhận ra cuộc đời này vốn dĩ vẫn luôn ân cần khi có gia đình, tình thân. Những ký ức về tết dẫu cho bao năm tháng vẫn không thể xóa nhòa.

Những điều đẹp đẽ chưa bao giờ mai một

Bao mùa tết đi qua, đứa trẻ nào rồi cũng lớn lên và dẫu có bay xa đến đâu cũng cần biết đường tìm về nguồn cội. Bao nẻo đường xuôi ngược, rong ruổi dẫu đẹp ngỡ ngàng cũng không thể bình yên bằng con đường về nhà đón tết.

U1c.jpg
Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Nguyễn Tấn Phong và Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong trao giải nhất cho tác giả Thanh Loan. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Từ Mỹ, tác giả Ngô Ly Kha chia sẻ: Nội tôi mất khi tôi vừa nhập học vài tháng ở Mỹ. Tôi đã cố viết như một lời tạm biệt bà nhưng rồi nước mắt cứ rơi mãi trên những trang giấy bỏ ngỏ… Cho đến mùa đông rồi, tôi đọc tin về cuộc thi viết này, tôi nghĩ ngay đến nội - là quê nhà, là tết trong ký ức của tôi. “Bảo bối” của nội đã được viết một mạch ngay trong buổi chiều Boston chìm trong tuyết. Phần thưởng lớn nhất dành cho mình chính là đã viết ra, chia sẻ một phần ký ức cho những người đồng cảm.

Mỗi bài viết gửi về “Tết nay - Tết xưa” là một câu chuyện riêng, chứa đựng những ký ức để ta thêm hiểu, thêm thương những mùa tết đã đi qua trong đời khi được sống bên cạnh gia đình, người thương. Câu chuyện của Ngô Ly Kha cũng không ngoại lệ. Dẫu đi bao xa, bao người vẫn giữ đôi mắt thương để nhìn cuộc đời.

“Trong đời sống ngày càng hối hả, chúng ta vô tình bị cuốn đi với những buổi sáng vội vã chen lấn đến công sở, những hàng thức ăn nhanh thay thế dần cho bữa cơm gia đình và những status vô tri chiếm dụng thời giờ của chúng ta nhiều hơn một cuộc trò chuyện thân tình… thì việc ngồi lại, viết về những ký ức tết đẹp đẽ quả là một điều đầy ý nghĩa. Vì thế, tôi biết ơn khi Báo Sài Gòn Giải Phóng tạo ra một sân chơi thú vị và bổ ích, góp phần giữ gìn vẻ đẹp của tiếng Việt, vẻ đẹp của văn hóa Tết nay - Tết xưa, những tình cảm thiêng liêng gắn bó trong gia đình, trong cộng đồng và lan tỏa những thông điệp hay! Cảm ơn các tác giả còn lại của cuộc thi đã chia sẻ cho tôi một phần cảm xúc và ký ức tươi đẹp của mình. Nhờ bạn, tôi đã được sưởi ấm và vỗ về trong cái tết đầu tiên xa nhà!”, Ngô Ly Kha trải lòng về cuộc thi.

Ký ức là tài sản vô giá với mỗi người nhưng đôi khi vì hoàn cảnh, người trong cuộc còn không có được một bức hình. Nhờ cuộc thi mà những kỷ niệm được hiện hữu. Các tác giả đã kể những câu chuyện đẹp về tình thân, những dở dang đã bỏ lỡ trên đường đời lại được dịp thổn thức. Sự đồng điệu và kết nối đã lan tỏa ý nghĩa và giá trị của “Tết nay - Tết xưa”. Hãy để những ký ức đẹp trở thành ngọn gió lành, dẫn mỗi người đến tương lai tốt đẹp.

Giải nhất được trao cho tác giả Thanh Loan với bài viết Cái tết của người già. Giải nhì thuộc về tác phẩm Hoa đào năm ấy còn vương của tác giả Đặng Ngọc Lan. Giải ba được trao cho 2 tác phẩm Bài chòi gọi tết rộn ràng (tác giả Ny An) và “Bảo bối” của nội (tác giả Ngô Ly Kha).

Ban tổ chức cũng trao 5 giải khuyến khích cho 5 tác phẩm: Tết về trong tâm tưởng (Trần Thủy); Tết quê xưa, dây dưa niềm nhớ... (Ngô Thế Lâm); Nhớ thương vách đất quê nhà (Nguyễn Văn Hòa); Tết đong đầy vị yêu thương từ chái bếp của mẹ (Phan Thanh Cẩm Giang); Đôi dòng biền ngẫu về tết xưa (Nguyễn Văn Bé).

Cuộc thi viết “Tết nay - Tết xưa” có sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), Oppo Việt Nam, Nhà xuất bản Trẻ.

Tin cùng chuyên mục