Cuộc thi do Bộ GD-ĐT tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực.
Cuộc thi được tổ chức nhằm ghi nhận, tôn vinh những thầy giáo, cô giáo có việc làm, thành tích tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục; ghi nhận và tôn vinh những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; lan tỏa những tình cảm tốt đẹp của học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh đối với thầy cô, mái trường.
Năm 2024, cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” được phát động, nhận bài dự thi từ tháng 9. Sau 2 tháng phát động, cuộc thi đã đón nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo tác giả trên cả nước và nhiều tác phẩm chất lượng. Ban tổ chức đã nhận được hơn 85.000 bài dự thi.
Năm nay, chất lượng các bài dự thi có sự thay đổi rõ rệt. Nhiều bài viết rất tâm huyết, để lại cảm xúc sâu sắc. Có nhiều câu chuyện đẹp, xúc động về tình cảm yêu thương, trách nhiệm, sự kiên trì, tận tâm, thấu hiểu, ứng xử sư phạm khéo léo của người thầy với học trò; giúp học trò từ chán thành thích học, từ tự ti chuyển thành tự tin, từ người luôn nghĩ mình thất bại đã gặt hái được thành công…
Đặc biệt, xuất hiện nhiều hơn các bài dự thi viết về tập thể. Đây vốn là chủ đề khó viết hay, nhưng tác giả đã thành công với cách khai thác câu chuyện khéo léo trên nền chất liệu thực sự có chất lượng. Nội dung bài dự thi cũng gắn với những vấn đề thời sự, như biệt phái giáo viên, khó khăn do cơn bão số 3…
Đó là câu chuyện của một học sinh tiểu học về người cô giản dị với khuôn mặt phúc hậu và đặc biệt với ánh nhìn nghiêm nghị nhưng chan chứa yêu thương ở huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) - nơi đồng bào dân tộc Mông vẫn còn giữ tục lệ kéo vợ vào những ngày tết của mình. Cô Minh, giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Cán Chu Phìn phải lặn lội đến gia đình đã kéo vợ là một học sinh của lớp cô chủ nhiệm để giải cứu học trò.... Đối với tác giả, cô như người mẹ thứ hai, là người truyền cảm hứng trong mỗi bài giảng và truyền dạy những bài học làm người.
Ban tổ chức đã trao 10 giải khuyến khích, 6 giải ba, 4 giải nhì, 2 giải nhất.
2 giải nhất được trao cho tác phẩm “Phím đàn trầm” của cô Võ Thị Bê, giáo viên Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; tác phẩm “Trầm tích phù sa” của thầy Nguyễn Bình An, Giáo viên Trường THPT Châu Phong, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang.
Giải Nhân vật tiêu biểu thuộc về: tập thể các thầy cô giáo làm công tác biệt phái tăng cường của Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị - trong tác phẩm "Phím đàn trầm”; cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Huế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum - trong tác phẩm "Cô hiệu trưởng - người đã mang lại niềm tin cho em".
Giải ấn tượng được trao cho tác phẩm “Thầy tôi” của cô giáo Hà Thị Phương Lan, Trường THCS Trường Thọ, thành phố Thủ Đức, TPHCM.