Cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam” do Bộ TT-TT phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực. Đây là hoạt động nằm trong Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo của Thủ tướng Chính phủ.
Cuộc thi phát động từ tháng 5-2022, sau 7 tháng, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được gần 20.000 tác phẩm. Với 123 tác phẩm vào vòng chung khảo, Ban tổ chức đã chọn trao giải cho 12 tác phẩm xuất sắc và 2 tập thể, trong đó có 1 tác phẩm đoạt giải nhất; 2 tác phẩm giải nhì; 3 tác phẩm giải ba; 6 tác phẩm giải khuyến khích và 2 tập thể có nhiều tác phẩm dự thi, đạt chất lượng tốt.
Cuộc thi nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về lịch sử dân tộc, truyền thống dựng nước và giữ nước, đoàn kết dân tộc, bồi đắp tinh thần yêu quê hương đất nước, các tấm gương tiêu biểu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hiện nay...
Cuộc thi cũng là kênh tuyên truyền rộng rãi về các giá trị đạo đức, nhân cách con người Việt Nam cho thế hệ trẻ. Biểu dương những gương mặt tiêu biểu của học sinh, sinh viên, giáo viên trong học tập, vượt khó vươn lên, đặc biệt là những tấm gương các đồng bào dân tộc thiểu số. Những mô hình tiên tiến trong bảo vệ môi trường, giữ gìn những nét bản sắc văn hóa dân tộc được mọi tầng lớp nhân dân biết đến, học hỏi và phát huy. Giúp học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức về pháp luật, hiểu được giá trị tích cực, nhân văn về tín ngưỡng, tôn giáo.
Cuộc thi đã lan tỏa cũng như tạo sức hút, quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân với lịch sử nước nhà, nâng cao niềm tự hào dân tộc.
Bà Nguyễn Thị Ánh, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương, trao bằng khen cho tác giả đoạt giải nhì |
Ở một số địa phương, cơ sở giáo dục đã tổ chức chấm và chọn những tác phẩm chất lượng để gửi về cuộc thi. Nhiều Sở GD-ĐT tham gia với đông đủ bài thi của giáo viên và học sinh trong toàn ngành.
Theo đánh giá của ban tổ chức, phần lớn các tác phẩm viết về chủ đề lịch sử dân tộc và tinh thần yêu nước. Mỗi tác giả có một cách tiếp cận và cảm nhận khác nhau. Các tác giả không chỉ dày công nghiên cứu, đầu tư vào nội dung tác phẩm mà còn sáng tạo trình bày theo những cách thức mới mẻ, lồng ghép hình ảnh và clip công phu, sinh động. Có tác phẩm được phiên dịch sang tiếng Anh, điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần đưa lịch sử Việt Nam đến gần hơn với quốc tế.
Trong đó, tác phẩm giải nhất của tác giả Nguyễn Thị Sang có chủ đề "Tự hào Việt Nam". Tác phẩm gồm 5 chương: Chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam; Những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ hiện nay; Phát huy, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hiện nay và giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho học sinh Trường THCS Giấy Phong Châu.
Danh sách các tác phẩm đạt giải
Giải nhất: “Tự hào Việt Nam" của tác giả Nguyễn Thị Sang, giáo viên Trường THCS Giấy Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Giải nhì: “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam” của nhóm tác giả: Nguyễn Phương Thúy, Lương Hoàng Quý, Lại Thị Thu Huyền, Nguyễn Thị Kim Dinh, Hoàng Thị Tuyết Trinh, Trường Cao đẳng An ninh nhân dân I, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.
“Câu lạc bộ Bjoóc Vẹn – góp phần giữ lửa hát then, đàn tính trên quê hương Văn Quan” của tác giả Nông Thị Hường, Giáo viên Trường THPT Lương Văn Tri, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.