Ban tổ chức cho biết, tiếp nối truyền thống của những năm trước, Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ 13 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn viết trong cả nước. Nhiều địa phương ở biên giới, hải đảo, Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam xa xôi như: Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Bến Tre, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hoà, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Ninh... cũng đã gửi tác phẩm dự thi.
Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.500 tác phẩm dự thi hợp lệ của 5 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và ảnh báo chí của gần 200 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương.
Tác giả dự thi gồm nhiều nhà báo chuyên nghiệp đang công tác ở trong và ngoài nước hoặc đã nghỉ hưu, các bạn viết - cộng tác viên của các cơ quan thông tấn, báo chí là các nhà trí thức, khoa học, văn nghệ sĩ, quân nhân, cựu chiến binh, cán bộ Mặt trận các cấp, giáo viên, sinh viên, thuộc mọi thành phần, lứa tuổi, tôn giáo, dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Kết quả, Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ 13, năm 2017 – 2018 được trao cho 76 tác phẩm với cơ cấu: 1 giải đặc biệt, 3 giải A, 13 giải B, 27 giải C, 32 giải Khuyến khích.
Nổi bật trong số đó là tác phẩm “Hành trình rẻo cao - Các dân tộc rất ít người ở Việt Nam” của Tập thể Truyền hình nông nghiệp nông thôn VTC; tác phẩm “Thiêng liêng hai tiếng Việt Nam” của tác giả Hoàng Lan, đăng Báo Phụ nữ Thủ đô; tác phẩm “Khoán việc” cho cấp ủy, người đứng đầu - cách làm của Bắc Giang” của nhóm phóng viên đăng Báo Bắc Giang; tác phẩm “Ấn tượng xây dựng nông thôn mới TP Hồ Chí Minh” của tác giả Nguyễn Thị Minh Phước, Nguyễn Quốc Minh do Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) phát sóng; Phóng sự ảnh “Cột mốc chủ quyền Trường Sa trong trường học” của tác giả Cao Thị Oanh, đăng Báo Hậu Giang...
Đáng tiếc là số lượng tác phẩm phản ánh đấu tranh chống các tệ nạn quan liêu, tham nhũng, "nhóm lợi ích" thoái hóa biến chất; về vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam chưa nhiều và chưa có tác phẩm thật sự nổi trội.
Các tác phẩm dự thi công phu, tập trung vào phản ánh các sự kiện lớn, quan trọng của đất nước như phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc; vai trò của các dân tộc, các tôn giáo trong sự nghiệp đại đoàn kết các dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia; các gương học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; khơi dậy tinh thần dân tộc qua tình yêu biển, đảo, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia; các tấm gương người tốt, việc tốt trong đồng bào các dân tộc, các chức sắc tôn giáo; tuyên truyền vận động nhân dân tích cực hưởng ứng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; công tác cải cách bộ máy hành chính, “cởi trói cho doanh nghiệp”; đấu tranh phản bác với âm mưu xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; phòng chống tham nhũng lãng phí; các điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế; công tác xóa đói giảm nghèo; công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc; giám sát và phản biện xã hội; bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu; công tác đối ngoại kiều bào; những mô hình, điển hình về đích trong xây dựng nông thôn mới… |
“Báo chí cùng các kênh thông tin tuyên truyền khác góp phần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo sự đồng thuận xã hội, thống nhất cao về chính trị, tư tưởng và hành động trong Đảng và toàn xã hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh. |