Chiều 7-11, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT họp báo tổng kết Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2022.
Giải nhằm tôn vinh các tác giả có tác phẩm xuất sắc về sự nghiệp giáo dục - đào tạo của nước nhà và tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Qua đó, tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành giáo dục với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Năm nay, ban tổ chức nhận được gần 800 tác phẩm tham dự của 4 loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình. Các tác phẩm được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 5-9-2021 đến ngày 5-9-2022.
Hội đồng giám khảo bao gồm nhà quản lý, nhà báo uy tín đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan thông tấn, báo chí. Cụ thể, Hội đồng sơ khảo (gồm 12 thành viên) do ông Trần Thái Sơn - Phó trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam làm Chủ tịch. Hội đồng chung khảo (gồm 11 thành viên) do ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam làm Chủ tịch hội đồng.
Hội đồng sơ khảo chia thành 3 tiểu ban: Tiểu ban báo in, Tiểu ban Báo Điện tử, Tiểu ban Phát thanh - Truyền hình làm việc độc lập, chấm 4 loại hình. Kết quả chọn được 80 tác phẩm vào chung khảo.
Từ những tác phẩm này, hội đồng chung khảo đã đề xuất 1 giải đặc biệt; 4 giải nhất; 8 giải nhì; 12 giải ba, 28 giải khuyến khích và 2 nhân vật tiêu biểu trong 2 tác phẩm đoạt giải.
Giải đặc biệt được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và tiền thưởng 60 triệu đồng.
Giải nhất, giải nhì, giải ba và khuyến khích nhận biểu trưng Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”; chứng nhận của Bộ GD-ĐT và tiền mặt lần lượt là 30 triệu đồng, 15 triệu đồng, 10 triệu đồng, 5 triệu đồng. Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải được nhận biểu trưng “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” và phần quà (hoặc tiền mặt) trị giá 10 triệu đồng/tác phẩm.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, những tác phẩm dự thi mang tính thời sự cao, phản ánh chủ trương, chính sách của ngành, những tấm gương người tốt, việc tốt và những hoạt động thường xuyên của nhà trường, thầy, cô giáo trên cả nước.
“Đổi mới là việc khó; đổi mới trong giáo dục, đào tạo càng khó hơn. Trong hành trình đó, dù có nhiều bước đi khó khăn nhưng có nhiều đổi mới, sáng tạo, tâm huyết của các trường và thầy – trò”, Thứ trưởng nói.
Khẳng định giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, với sự chung tay của toàn xã hội, Thứ trưởng ghi nhận đóng góp của báo chí là quan trọng giúp ngành giáo dục tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo niềm tin của xã hội vào giáo dục nước nhà.