Cho đi khi còn có thể
Thảo Nguyên cho biết, em đăng ký hiến tạng cuối năm 2017, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). Để đi tới quyết định hiến tạng với Nguyên không hề là phút giây bồng bột, theo phong trào, mà là cả quá trình tìm hiểu kỹ lưỡng. “Trước khi trở thành một người viết sách, em từng là kỹ thuật viên gây mê hồi sức tại Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM). Trước đó nữa, trong khoảng thời gian thực tập ở Bệnh viện Chợ Rẫy, em từng chứng kiến nhiều bệnh nhân đã không có cơ hội được cứu, được sống tiếp vì không thể kịp kiếm ra nguồn tạng phù hợp trong giờ phút nguy cấp. Là một người trẻ, hàng ngày chứng kiến những sự ra đi như thế khiến trái tim em không ngừng xót xa. Không phải là người trong ngành y đã quá quen với việc chứng kiến cái chết mà trở nên thản nhiên, thấy quá bình thường đâu, mọi người trong ngành thực sự xót xa lắm”, Thảo Nguyên kể lý do viết đơn đăng ký.
Trong câu chuyện kể của mình, Nguyên bảo có một điều rất vui là sau khi cô gái chia sẻ chuyện mình đăng ký hiến tạng trên trang Facebook cá nhân, đã có hàng chục anh chị, bạn bè gọi điện, nhắn tin hỏi về cách thức, quy trình cụ thể đăng ký hiến tạng. Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào đăng ký hiến tạng cũng may mắn nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Như trường hợp của bạn N.T.T.H. (29 tuổi, nhân viên truyền thông, ngụ quận 10) sau khi đăng ký hiến tạng trực tuyến thì phiếu đăng ký được gửi về địa chỉ nhà và người nhận là… mẹ. Mở thư ra, thấy giấy tờ, người mẹ tá hỏa khi phát hiện T.H. không hỏi ý kiến mình. “Mẹ phản đối, ngăn cản kịch liệt, thậm chí đòi sống đòi chết nếu mình không nghe lời, không rút lại nguyện vọng. Phải nhiều lần kiên trì thuyết phục, mẹ mới nguôi nguôi. Mình biết mẹ cũng hiểu người cần tạng hiến ra sao, biết ý nghĩa cao cả của hành động này và quan trọng là mình phải cho mẹ biết đây là nguyện vọng nghiêm túc xuất phát từ tấm lòng mình”, T.H. kể.
“Mình thấy một số phụ huynh phản đối thường vì 2 lý do. Họ sợ con mình xui xẻo vì đang khỏe mạnh, yên lành khi không lại đi đăng ký hiến tạng. Thứ nữa, người Việt nói riêng và người châu Á nói chung bao đời nay quan niệm chết phải toàn vẹn. Họ không chấp nhận việc ra đi với cơ thể không còn vẹn nguyên. Thậm chí nhiều người có niềm tin rất mãnh liệt về kiếp sau, rằng phải nguyên vẹn để luân hồi, tái sinh. Đây là rào cản lớn trong việc vận động hiến mô, tạng trong y học hiện nay”, Thảo Nguyên bày tỏ.
Nghiêm túc với lựa chọn của mình
Theo thống kê của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, tính đến tháng 12-2022, đã có hơn 62.000 người đăng ký hiến mô tạng trong cả nước, các bác sĩ đã thực hiện được hơn 7.000 ca ghép tạng, chủ yếu nguồn từ người hiến sống.
Bác sĩ Đỗ Thái Phương Ngọc (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TPHCM) chia sẻ: “Hiện nay, các bạn trẻ rất có tinh thần sẵn sàng đăng ký hiến tạng dù gặp phải định kiến xã hội khiến họ đắn đo. Việc nhiều người đăng ký là minh chứng cho tư duy văn minh, tiến bộ, phá vỡ quan niệm cũ kỹ về việc sống chết toàn vẹn. Cuộc đời này nếu thêm nhiều bạn trẻ có lý tưởng sống như vậy, chắc chắn không ít bệnh nhân may mắn được nối dài sự sống”.
Chuyện đăng ký hiến xác cho nghiên cứu khoa học, y học, hay hiến mô, tạng cứu người hiện nay ngày càng phổ biến bởi xã hội tiến bộ thì suy nghĩ, quan điểm của con người về sự sống - cái chết rõ ràng hơn. Những câu chuyện nhân văn trong cuộc sống, những người nổi tiếng tham gia đăng ký hiến tạng đã phần nào truyền cảm hứng việc tử tế đến người trẻ. Có bạn chọn đăng ký hiến tạng vì nguyện vọng sâu thẳm từ tâm, có bạn trẻ đăng ký vì tác động của phong trào, vì tò mò. Không chỉ quyết định đăng ký hiến tạng, nhiều bạn trẻ còn trở thành tình nguyện viên của các trung tâm cộng đồng, tuyên truyền về ý nghĩa cao đẹp của hành động này. Và dù với lý do gì đi nữa, rất cần sự nghiêm túc từ người trẻ.
Thảo Nguyên thẳng thắn chia sẻ: “Mình nghĩ, bạn trẻ khi đã đăng ký nên thực sự nghiêm túc với quyết định này. Hơn ai hết, chính mình phải chăm sóc, giữ gìn sức khỏe cho bản thân. Và một ngày nào đó nếu không tiếp tục hành trình ở cõi tạm và đến lúc hiến tạng cũng sẽ trao đi những gì tốt đẹp nhất mình đã giữ gìn cho cả một hành trình sống”.
Anh Dương Minh Vũ (34 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) bày tỏ, với những người trẻ trước mặt có cả một đoạn đường dài, việc nghĩ đến tặng, cho người lạ một phần cơ thể mình là điều không dễ dàng. Bên cạnh những bạn trẻ sâu sắc, tôi thấy không ít bạn trẻ đăng ký hiến tạng và khoe Facebook gần như chỉ với mục đích… khoe mà chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa việc này. “Thực ra, quyết định hiến tạng là một hành trình đổi thay tư tưởng, thấm thía quy luật sinh tử. Việc chia sẻ, tuyên truyền đăng ký hiến mô tạng trên mạng xã hội là điều đáng ghi nhận và các bạn cần chia sẻ thực tâm”, anh Vũ nói.