Tại hội thảo, các đại biểu đều đồng tình với vai trò “đầu tàu” của TPHCM không chỉ đối với vùng mà còn cả nước. Các đại biểu đề xuất Trung ương trao cho “đầu tàu TPHCM” cả về vốn lẫn về cơ chế để TPHCM đủ sức kéo “đoàn tàu” của vùng và cả nước.
Là một trong nhiều đại biểu đưa ra đề xuất nêu trên, TS Mai Chiếm Hiếu, Phó Trưởng khoa Kinh tế Học viện Chính trị Khu vực II, dẫn chứng kinh tế của cả nước đang chuyển biến tích cực khi tăng trưởng tăng, trần nợ công giảm sâu, lạm phát ổn định và năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng mạnh. Nhưng khi nợ công của cả nước giảm sâu mà không tạo điều kiện cho TPHCM thì nguồn lực của TPHCM có thể bị “ăn mòn”.
Những con số nêu trên cho thấy, dù dân số của TPHCM chiếm khoảng 10% dân số của cả nước nhưng TPHCM là “đầu tàu” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đã không ngừng gia tăng mức đóng góp vào ngân sách, cho tăng trưởng kinh tế cả nước. Vậy nhưng, TPHCM chỉ được hưởng tỷ lệ ngân sách 18%. “Khi trần nợ công về mức an toàn thì cần xem xét trả lại TPHCM những gì tương xứng mà TPHCM đóng góp”, TS Mai Chiếm Hiếu bày tỏ. Thậm chí, tỷ lệ điều tiết ngân sách đối với TPHCM phải trên mức 33% (trong giai đoạn 2020-2030 - PV) như đề án mà TPHCM đang dự kiến trình Quốc hội. Việc nâng tỷ lệ này để kích hoạt đầu tàu TPHCM đủ sức kéo đoàn tàu cả nước.
Các đại biểu còn đề nghị Trung ương tháo gỡ nút thắt về thể chế, để TPHCM chủ động hơn trong phát triển, tạo sự lan tỏa cho cả vùng và cả nước.
PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, cũng đồng tình với các nhận xét về vai trò của TPHCM trong phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Song, sự phát triển của TPHCM đang có dấu hiệu chậm lại do các thách thức, khó khăn lâu nay không thể giải quyết được. Từ đó, PGS-TS Nguyễn Tấn Phát đề xuất Trung ương phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho TPHCM, nhất là sự phân bổ tài chính của Trung ương cho TPHCM tương xứng hơn với sự đóng góp của TPHCM.