Cùng dự có đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; Linh mục Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Tổng Giáo phận TPHCM.
Tại buổi lễ, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM công bố quyết định của UBND TPHCM xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp TP đối với Nhà thờ Thủ Thiêm, Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (quận 2); Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1); Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1) và Lăng Võ Tánh (quận Phú Nhuận).
Cũng theo đồng chí Lê Thanh Liêm, tính đến cuối tháng 11-2019, trên địa bàn TPHCM có 172 di tích được xếp hạng. Trong số này có 2 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử), 56 di tích quốc gia và 114 di tích cấp thành phố. Ngoài ra còn có 100 công trình, địa điểm thuộc danh mục kiểm kê lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020.
“Trong năm 2019, TPHCM đã chỉ đạo Sở VH-TT tiếp tục rà soát, lập hồ sơ xếp hạng di tích trên địa bàn”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê thông tin và cho biết, việc UBND TPHCM công nhận 5 di tích lịch sử này nâng tổng số di tích đã được xếp hạng trên địa bàn là 177 di tích.
Chia sẻ thêm, đồng chí Lê Thanh Liêm khẳng định, văn hóa là nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Cũng vì vậy, TPHCM đã thống nhất chọn chủ đề của năm 2020 là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, trong đó lãnh đạo TPHCM cũng hết sức quan tâm đến công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích, trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các giá trị lịch sử - văn hóa trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cũng yêu cầu Sở VH-TT, các địa phương cùng các cơ quan, đơn vị quản lý di tích, đặc biệt là ban quản lý các di tích sẽ tích cực, chủ động và phối hợp chặt chẽ để giữ gìn, bảo tồn và phát huy thật tốt giá trị của di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố.
Tương tự, Thầy Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, khẳng đây là tin vui đối với tập thể, giáo viên, nhân viên và học sinh của trường. Việc trường được xếp hạng, nhà trường càng ý thức hơn nữa trong việc giữ gìn, tôn tạo và phát triển di tích này.
Tóm tắt giá trị lịch sử - văn hóa các di tích (trích tài liệu của Sở VH-TT)1. Di tích Nhà thờ Thủ Thiêm (số 58, khu phố 1, phường Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM)Tháng 2-1859, sau khi Pháp chiếm Sài Gòn, các thừa sai Pháp bắt đầu xây dựng lại các cơ sở ở giáo phận Tây Đàng Trong, nhiều họ đạo mới được thành lập. Tại bờ Đông sông Sài Gòn, hình thành họ đạo Thủ Thiêm. Tháng 4-1859, Đức cha Lefebvre (Đức cha Ngãi) bổ nhiệm Linh mục Gabriel Nguyễn Khắc Thành làm cha sở chính thức họ đạo Thủ Thiêm. Đoàn khảo sát khoanh vùng bảo vệ di tích tại Nhà thờ Thủ Thiêm. Ảnh: THANH HUỲNH Ngôi Thánh đường đầu tiên của họ đạo Thủ Thiêm được khởi công xây dựng và khánh thành năm 1865, kiến trúc ngôi Thánh đường được thiết kế theo dạng hình thánh giá, với kết cấu cột gỗ, tường gạch và mái ngói. Vào thời điểm đó nhà thờ Thủ Thiêm rất khang trang và đẹp mắt, là niềm tự hào của các giáo dân trong họ đạo. Khoảng năm 1885, trong khuôn viên nhà thờ xây dựng thêm khối Nhà xứ. Công trình gồm một tầng trệt và một tầng lầu. Chính diện công trình quay về hướng Bắc, nổi bật với kiến trúc hành lang dạng vòm và cửa sổ gỗ dạng vòm, mái lợp ngói vảy cá, đòn tay và rui mè bằng gỗ. Năm 1930, nhà thờ xây dựng tháp chuông phía bên phải ngôi Thánh đường. Tháp chuông có mặt bằng vuông, chóp đỉnh đặt biểu tượng thánh giá. Tháp chuông được xây dựng dạng giàn rỗng, gồm bốn cột hơi xiên liên kết với những thanh giằng ngang, giằng chéo đan xen, xung quanh không xây tường. Bên trong tháp chuông treo một mõ gỗ (niên đại khoảng giữa thế XIX) và 5 quả chuông (niên đại khoảng 1889-1892). Hiện nay, các hiện vật, di vật được Nhà thờ bảo quản tốt. Năm 1953, Linh mục Phaolô Huỳnh Ngọc Tiên khởi công trùng tu ngôi Thánh đường và công trình được Giám mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền làm lễ khánh thành vào năm 1956. Ngôi Thánh đường hiện hữu được xây dựng trên nền cao, giữa khuôn viên sân vườn trồng nhiều cây cảnh, thiết kế mặt bằng vẫn giữ theo dạng hình thánh giá. Mặt chính tạo điểm nhấn với kiến trúc dạng cổ lầu (trên lầu, dưới hiên) gồm ba tầng mái được xây dựng nhỏ dần khi lên cao. Tầng mái hiên chia mặt chính của thánh đường thành ba gian, gian giữa là cửa ra vào. Phía trước là tiền sảnh được xây dựng thanh thoát, phía trong là hệ thống cửa vững chắc. Tường trổ nhiều của sổ vòm và các ô hình chữ nhật lắp kính để tạo ánh sáng vừa đủ cho không gian hành lễ bên trong. Nhà thờ Thủ Thiêm được xây dựng khá sớm, mang đậm nét kiến trúc đô thị những năm đầu đến giữa thế kỷ XX, góp phần làm nên dấu ấn di sản văn hóa cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Về khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích, Nhà thờ Thủ Thiêm có 2 khu vực bảo vệ. Cụ thể: Khu vực bảo vệ I có diện tích hơn 1.120 m2. Khu vực bảo vệ II có diện tích 1.630 m2. 2. Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (số 76 khu phố 1, phường Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM)Khoảng năm 1840, các chị em của Hội dòng Mến Thánh Giá đã đến cư ngụ tại vùng đất Thủ Thiêm, bên bờ Đông sông Sài Gòn. Trong cùng năm, các nữ tu xin phép Đức cha Étienne Théodore Cuenot (Đức cha Thể, 1840-1844) thành lập Tu viện của Hội dòng tại Thủ Thiêm. Linh mục Giuse Niên là cha bề trên đầu tiên của nhà dòng; bà Maria Phước (1840-1848) là bà Nhất tiên khởi của nhà dòng. Từ năm 1859 đến năm 1874, Hội dòng xây dựng hai ngôi nhà có gác để các nữ tu có thể đến cầu nguyện. Năm 1927, Hội dòng khởi công xây dựng khối nhà Tập. Năm 1933, khối nhà Khấn được xây dựng ở vị trí song song với khối nhà Tập. Kiến trúc nhà Tập và nhà Khấn được thiết kế tương đối giống nhau. Nhà Tập và nhà Khấn được xây dựng trên mặt bằng hình chữ nhật, có 2 tầng, gồm 1 tầng trệt 1 tầng lầu. Tầng mái, gồm hai mái che phủ mặt trước và mặt sau công trình, mái được lợp ngói. Phía đầu hồi xây dựng các khối mái đón với kiến trúc cột tròn đỡ mái đặt trên nền tam cấp. Mặt đứng chính của công trình hướng vào sân vườn. Mặt đứng chính có thiết kế khá ấn tượng với hệ thống cửa vòm liên kết với cột và tường chịu lực, chân tường được cấu tạo với các phiến đá xanh. Tầng trệt được thiết kế hành lang chạy xuyên suốt chiều ngang tòa nhà. Đoàn khảo sát khoanh vùng bảo vệ di tích tại Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Ảnh: THANH HUỲNH Lối kiến trúc hàng lang tận dụng nguồn sáng tự nhiên và giúp lưu thông không khí thường thấy trong kiến trúc Pháp. Hành lang được thiết kế tiếp giáp với hệ thống cửa vòm. Vòm cửa được làm khá rộng, bệ cửa có dạng lan can. Tại cửa vòm thứ nhất, thứ tư và thứ bảy xây các bậc tam cấp dẫn lên hành lang tòa nhà. Trên tầng lầu, chín vòm cửa được thiết kế xen kẻ hệ thống cột chia thành chín mảng tường đều nhau. Phía trán tường và trên cửa vòm được viền các viên gạch nung hình chữ nhật xếp nối tiếp nhau. Tại các cửa vòm lắp đặt các bộ khung cửa dạng lá xách. Bệ cửa được tạo dáng với đường gờ dày. Với những chi tiết trang trí thật đơn giản, kết hợp với lối kiến trúc của vòm vừa cổ kính vừa thông thoáng, công trình nhà Tập và nhà Khấn thật khang trang và ấn tượng. Năm 1956, Hội dòng khởi công xây dựng công trình Nhà nguyện. Tổng thể công trình toát lên vẻ bề thế và vững chắc. Nhìn từ ngoài vào, mặt chính Nhà nguyện tạo ấn tượng thị giác với thiết kế khối của hình tam giác giật cấp kết hợp cửa vòm bằng gỗ bên trong. Bố cục mặt bằng gồm ba khối nhà liên kết nhau, một khối nhà dọc giao với khối nhà ngang và nối với khối cánh cung. Không gian nội thất thông thoáng. Mái được lợp ngói, đã nhuốm màu rêu phong. Trên tầng mái thiết kế các mái nhỏ để đón gió. Dọc hai bên tường trổ khá nhiều cửa sổ dạng lá sách, phía trên của trang trí các ô tam giác lắp kính màu và phía dưới đặt các lam gió và lấy ánh sáng vừa phải đã tạo cho chính điện nét trang nghiêm và linh thiêng. Trải qua gần 180 năm, Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm vẫn hiện hữu giữa không gian mênh mông, với những dòng kênh, con rạch, cây cối bao quanh, lưu giữ giá trị lịch sử - văn hóa của một công trình kiến trúc cổ đô thị những năm đầu đến giữa thế kỷ XX trong lòng Khu đô thị mới Thủ thiêm của TPHCM. Về khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích, Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm có 2 khu vực bảo vệ: - Khu vực bảo vệ I có diện tích 2.166 m2. - Khu vực bảo vệ II có diện tích 2.075 m2. 3. Trường THPT chuyên Trần Đại NghĩaTrường Trung học Phổ thông Chuyên Trần Đại Nghĩa (trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa) tọa lạc trên khuôn viên khá rộng tại khu trung tâm quận 1, giáp với ba mặt đường: Hai Bà Trưng - Lý Tự Trọng - Nguyễn Du. Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. ẢNh: I.T Năm 1874, tại Sài Gòn, Linh mục Henri De Kerlan lập Institution Taberd (trường Taberd). Theo một số tài liệu, trường được cải tạo lại từ dinh thự cũ của Thống đốc Nam kỳ. Năm 1877, Linh mục Mossard kế vị Linh mục Kerlan quản lý trường. Năm 1889, theo lời mời của Đức Cha Colombert, các Sư huynh La San từ Pháp sang hỗ trợ nuôi dạy và từng bước tiếp nhận công việc điều khiển trường. Năm 1890, các Sư huynh dòng La San chính thức tiếp nhận trường Taberd. Từ đó, trường mang tên La San Taberd. Sau năm 1975, trường chuyển thành trường Trung học Sư phạm TPHCM với nhiệm vụ đào tạo giáo viên tiểu học cho thành phố. Năm 2000, UBND TPGCM có quyết định thành lập trường THPT Trần Đại Nghĩa, tiếp nhận cơ sở vật chất của trường Trung học Sư phạm TPHCM. Trường đào tạo hai cấp THCS và THPT. Từ năm 2002, trường trở thành trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Khi mới thành lập, ngôi trường chỉ có dãy nhà chính giữa (nay là dãy nhà chức năng). Về sau xây dựng thêm dãy nhà bên phải (nay là dãy nhà C) và dãy nhà bên trái (nay là dãy nhà D) và dãy E như hiện nay. Nổi bật của công trình là kiến trúc cổ kính của dãy nhà chức năng, dãy C và dãy D bao quanh sân vườn. Kiến trúc được bảo vệ bởi hệ thống mái lợp ngói phủ bên ngoài tường kết hợp hệ thống máng xối và ống thoát nước. Các dãy nhà được xây dựng gồm tầng trệt và hai tầng lầu. Hành lang tầng trệt và tầng lầu chạy xuyên xuất theo chiều ngang mỗi dãy nhà. Đặc biệt, ở tầng trệt, cửa vòm lớn đắp nổi đường diềm và viên đá khóa vòm. Cửa vòm được bố trí tương xứng với hai khung cửa lá sách ở lầu 1 và lầu 2 vừa tạo sự lưu thông không khí, tiếp nhận ánh sáng tự nhiên vừa làm chức năng trang trí. Khối cầu thang được bảo tồn tương đối nguyên gốc kiến trúc ban đầu. Thành, tay vịn và bậc thang bằng gỗ, kết cấu đơn giản tạo nét đẹp thanh thoát. Qua thời gian, ngôi trường đã trải qua các lần sửa chữa, cải tạo, nội thất lắp thêm vách ngăn cho phù hợp với nhu cầu dạy và học của nhà trường ở từng giai đoạn. Những công trình được xây dựng ở những thời gian khác nhau, một số khối nhà được xây dựng mang phong cách kiến trúc của từng thập niên nhưng nhìn chung vẫn đảm bảo hài hòa trong một tổng thể kiến trúc, gìn giữ được những nét cổ kính, thanh lịch vốn có của công trình. Kiến trúc trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa góp phần bảo tồn sự phong phú di sản kiến trúc cổ đô thị tại TPHCM. Về khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích, trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa có 2 khu vực bảo vệ: - Khu vực bảo vệ I có diện tích 2.977 m2. - Khu vực bảo vệ II có diện tích 3.732 m2. 4. Trường THCS Võ Trường Toản (11 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1)Trường THCS Võ Trường Toản được thành lập từ năm 1975, trên cơ sở trường trung học Võ Trường Toản được thành lập từ năm 1955. Trường tọa lạc trên khuôn viên rộng 3.842 m2, gồm hai khu đất: khu đất lớn hình chữ nhật, chiều dài gần 85 mét, chiều rộng hơn 33 mét và một khu đất nhỏ hình gần vuông có chiều dài 36, 5 mét, chiều rộng hơn 20 mét. Trên phần đất lớn có các công trình: cổng trường, nhà bảo vệ, khu A, khu B, khu B và sân trường. Phần đất nhỏ tiếp giáp với khoảng giữa phần đất lớn và thấp hơn phân khoảng 0,4 mét, được bố trí khu C và sân quần vợt. Cổng trường hơi chếch về bên phải (từ trong nhìn ra) gồm hai cánh bằng sắt, bắc ngang hai trụ cổng là tấm bảng tên “Trường THCS Võ Trường Toản” Ngoài ra trên bức tường rào cũng có gắn một bảng tên trường nữa. Trường Võ Trường Toản tuy chỉ được phân một phần nhỏ từ một trường học lớn nhưng khu nhà cổ của trường vẫn còn lưu giữ được kiểu dáng kiến trúc và trang trí của một ngôi trường cổ. Cầu thang gỗ, hệ thống côn sơn và các mảng trang trí trên ô tường, trên các cửa, bậu cửa sổ... là những nét giá trị của công trình. Trường Võ Trường Toản không chỉ là nơi giáo dục đào tạo nhiều thế hệ học sinh mà còn phản ánh những chính sách giáo dục của từng giai đoạn lịch sử. Phương án khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích: - Khu vực bảo vệ I: 1.046 m2. - Khu vực bảo vệ II: 2.795 m². 5. Lăng Võ Tánh (số 19, đường Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TPHCM)Vùng đất Phú Nhuận chứa đựng nhiều di sản của người xưa để lại, trong đó đáng chú ý là các ngôi lăng mộ của các đại thần triều Nguyễn như Lăng Phan Tấn Huỳnh, Lăng Trương Tấn Bửu, Lăng Võ Di Nguy ... Lăng Võ Tánh. Ảnh: I.T Nhân vật lịch sử: Võ Tánh (? -1801), quê gốc ở huyện Phước An, trấn Biên Hòa, sau dời về huyện Bình Dương thuộc Phiên Trấn (nay là TPHCM). Ông tinh thông võ nghệ, binh thư, được người thời bấy giờ xưng tụng làm một trong ba “Gia Định tạm hùng” (Đỗ Thành Nhơn, Châu Văn Tiếp). Từ năm 1784 đến khoảng năm 1788, ông xây dựng lực lượng mở rộng ra cả vùng Gò Công (Tiền Giang ngày nay). Năm 1788, ông nhận lời, đem quân phò tá Nguyễn Ánh. Năm 1799, ông trấn thủ thành Bình Định (Quy Nhơn ngày nay), thành bị quân Tây Sơn vây suốt gần 2 năm, cuối cùng ông đã gửi thư cho Trần Quang Diệu xin không giết hại binh sĩ trong thành, riêng bản thân ông lên lầu Bát giác hỏa thiêu mà tuẫn tiết. Ông được vua Gia Long truy tặng tước Quốc Công sai người thu liệm hài cốt về chôn cất tại Phú Nhuận, Gia Định, cấp cho tự dân và tự điền, phu mộ, lại sai con là Võ Khánh coi giữ việc thờ tự. Sau này vua Minh Mạng lại truy phong ông tước Hoài Quốc Công. Kiến trúc lăng chính gồm đền thờ và mộ. Trước năm 1975, khu vực lăng nằm trong khu vực quân sự. Từ năm 2006 - 2007, diện tích lăng mộ được quy hoạch lại và các hạng mục kiến trúc: đền thờ (diện tích: 327 m²), mộ (diện tích: 211 m²) được trùng tu, nâng cấp lại trên cơ sở đền thờ trước đó, đồng thời xây dựng thêm nhà bảo vệ, tường rào bảo vệ như hiện nay. Kiến trúc mộ mang đặc trưng kiến trúc mộ cổ vùng Nam Bộ gồm: bình phong tiền, tường bao, bệ thờ, mộ, bình phong hậu, trụ cột hình chữ kim.. Lăng Võ Tánh thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật. Di tích kiến trúc nghệ thuật Lăng Võ Tánh gồm 2 khu vực bảo vệ. Khu vực I gồm: đền thờ và mộ, tổng diện tích là 539m²; khu vực II gồm: nhà bảo vệ, sân vườn và diện tích đất còn lại, tổng diện tích là 2.221m². |