Tranh Việt và đồng hồ Thụy Sĩ

Vừa qua, một hãng đồng hồ nổi tiếng tại Thụy Sĩ ra mắt bộ sưu tập mới, trong đó bề mặt đồng hồ được thiết kế, trang trí bằng tranh vẽ tay hình ảnh Hai Bà Trưng.

Website của hãng này cũng thông báo, đây là mẫu đồng hồ mà hãng muốn bày tỏ lòng kính trọng với Hai Bà Trưng, hai nữ anh hùng của dân tộc Việt Nam vào thế kỷ thứ nhất. Mặc dù hãng chưa niêm yết giá chính thức, nhưng theo ước tính, phiên bản đồng hồ này có giá đến tay người mua không dưới 15 tỷ đồng.

Niềm tự hào về lịch sử dân tộc chưa hết nức lòng công chúng, một số tài khoản mạng xã hội lên tiếng nghi vấn tranh vẽ trên mặt đồng hồ là “đạo tranh” của một họa sĩ 9X Việt Nam.

Một số giám tuyển và giảng viên mỹ thuật cũng nhìn nhận bức tranh trên đồng hồ rất giống tác phẩm của một họa sĩ Việt Nam. Có thể hãng đồng hồ không cố ý “đạo tranh”, nhưng không loại trừ khả năng xảy ra tắc trách trong khâu tham khảo hình ảnh.

Các bên có liên quan hiện im lặng, nhưng làn sóng tranh cãi vẫn không ngừng. Nhiều ý kiến tự hào khi lịch sử dân tộc được vinh danh, nếu có xảy ra “đạo tranh” có thể xí xóa, vì đây là cơ hội tốt để quảng bá văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam. Nhưng có lẽ đây cũng chính là tư duy, góc nhìn tạo nên nhiều cản trở trên con đường định danh nghệ thuật Việt ra thế giới.

Một tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ chất liệu dân gian của họa sĩ trẻ Việt Nam, chứa đựng cả tâm hồn nguồn cội với kỹ năng được rèn luyện (vẽ lại tranh dân gian với kỹ thuật đổ màu, tạo hình hiện đại), cùng với đó là chất xám, phong cách sáng tạo riêng của họa sĩ… Không thể vì là hãng đồng hồ lớn, danh tiếng thế giới mà có thể dễ dàng bỏ qua nếu thực sự xảy ra chuyện “đạo tranh”.

Tôn vinh lịch sử hay văn hóa truyền thống của dân tộc, thì cũng phải tôn trọng người nghệ sĩ thực hành sáng tạo nghệ thuật Việt. Bước ra bên ngoài hay định danh một bản sắc Việt trên toàn cầu, trước hết tài năng và tâm huyết nghệ thuật của người thực hành sáng tạo cần sự tôn trọng từ công chúng trong nước. Và các tác phẩm nghệ thuật, nhiều khi không phải là tác phẩm kiểu đại chúng, ai cũng biết tới. Nhưng không nhiều người biết, không có nghĩa là nó không có giá trị cao trên thị trường. Khán giả là thước đo cao nhất của một sản phẩm nghệ thuật, khán giả còn quyền nhận xét, khen - chê, đón nhận hay từ chối… và hãy dùng quyền của người thụ hưởng, lên tiếng để bảo vệ tác phẩm nghệ thuật xứng đáng.

Có ý kiến cho rằng, rất có thể có một hợp đồng phía sau giữa họa sĩ Việt và hãng đồng hồ, nên mọi thứ dù giống nhau đến hơn 80% nhưng lại chỉ được xem như một sự vô tình hoặc là ý tưởng lớn gặp nhau trong sáng tạo. Vấn đề này không mới với thị trường nghệ thuật trong nước. Tranh chép dù gây đau đầu cho giới sáng tạo nhưng vẫn có cách trị, bởi thị trường lẫn giới sưu tập ngày càng chuyên nghiệp hơn trong khâu thẩm định. Còn tranh “nhái”, tranh “đạo” lại xuất hiện tình trạng đau lòng khi người trong cuộc sẵn sàng thỏa thuận ngầm với nhau, từ đó thậm chí còn chủ động ca ngợi đường nét của nhau, để tranh nhanh chóng được bán, lên sàn đấu giá quốc tế và giá thì liên tục phá kỷ lục.

Để bảo vệ nghệ sĩ, người sưu tập, phát triển thị trường nghệ thuật..., trước hết cần những bước tham chiếu căn bản, những luật định cụ thể về mỹ thuật. Và cao hơn mọi quy định, chính là tự trọng của người làm sáng tạo, phải rạch ròi giữa chuyện đạo nhái và ý tưởng lớn gặp nhau.

Trong câu chuyện hãng đồng hồ Thụy Sĩ, một lần nữa vấn đề dùng văn hóa mở đường cho sản phẩm thương mại đáng để chúng ta suy ngẫm. Văn hóa Việt, nhưng lại mở đường cho sản phẩm nước ngoài, có lẽ là một bài học rất tiếc, khi chúng ta không thiếu đội ngũ thực hành sáng tạo, để tôn vinh và làm nên những sản phẩm thương mại mang hơi thở văn hóa, lịch sử… Trên con đường định danh nghệ thuật Việt, còn rất nhiều điều cần tính toán, và nỗ lực liên ngành để thay đổi những tồn tại. Câu chuyện tranh họa sĩ Việt và chiếc đồng hồ Thụy Sĩ, đáng để chúng ta nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề lâu nay vẫn còn “nhức nhối” trong thị trường nghệ thuật Việt.

Tin cùng chuyên mục