Hiện Đài Tiếng nói Việt Nam có trên 2.700 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, nghệ sĩ, nhân viên; các loại hình báo chí gồm 8 kênh phát thanh, 16 kênh truyền hình (đang cấu trúc lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả), 2 báo điện tử và 1 báo in; 2 trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình, 1 nhà hát, 6 cơ quan thường trú ở 6 khu vực trong nước và 13 cơ quan thường trú ở các khu vực trọng điểm trên thế giới.
Đài Tiếng nói Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển thành cơ quan báo chí quốc gia hàng đầu, hoạt động báo chí đa loại hình, đa ngôn ngữ, đa nền tảng, phát huy vai trò là một cơ quan truyền thông quốc gia hiện đại, có lượng công chúng đông đảo, là công cụ truyền thông hiệu quả của Đảng, Chính phủ...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của đài phát thanh. Trên thế giới, dù là nước phát triển hay đang phát triển, đều rất coi trọng và quan tâm đến phát thanh. Trải qua 3/4 thế kỷ, Đài Tiếng nói Việt Nam là cầu nối truyền tải các giá trị tinh thần, văn hóa của người Việt Nam ra thế giới và bạn bè quốc tế đối với Việt Nam; phản bác những thông tin sai trái, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với 3 trụ cột: tin cậy vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ; tin tưởng vào tương lai của đất nước; làm cho nhân dân ta tin yêu cuộc sống của chính mình.
Thủ tướng cũng đánh giá, Đài Tiếng nói Việt Nam đang đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng, nhất là các sự kiện văn hóa, thể thao. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, vẫn còn khoảng cách lớn so với các quốc gia và chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt về công nghệ và về nhân tài. Đài Tiếng nói Việt Nam cần nhận thức thách thức này để làm tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao, trong đó, công nghệ số, internet, mạng xã hội và nhiều phương tiện truyền thông mới ra đời là thách thức lớn đối với báo chí truyền thông nói chung và Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng.
Thủ tướng cho rằng, không phải gia đình nào hiện nay cũng có radio và đặt vấn đề, phương tiện nào để giúp từng hộ gia đình tiếp nhận được thông tin nhanh, cập nhật từ Đài Tiếng nói Việt Nam. Bên cạnh đó, chất lượng và phạm vi phủ sóng các kênh phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam cần được cải thiện hơn nữa. Tiếp tục khẳng định vai trò một trong những đơn vị truyền thông, báo chí hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta trong dẫn dắt định hướng thông tin. Tăng tốc về công nghệ, đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật mới, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại và chương trình, các phương thức truyền dẫn phát sóng phù hợp với xu thế phát triển khu vực và thế giới, tránh tụt hậu về công nghệ so với nhiều cơ quan báo chí lớn như hiện nay.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ thảo luận và quyết định cơ chế đặc thù của Đài Tiếng nói Việt Nam khi có đề án trình Chính phủ; nhất trí với đề xuất cho phép Đài Tiếng nói Việt Nam mở rộng hệ thống kênh VOV Giao thông ra khu vực duyên hải Bắc, Trung và Nam, phục vụ thông tin về giao thông, phát triển kinh tế - xã hội.