Cụ thể, ngày 9-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Vũng Tàu có thông báo số 75 với nội dung “người dân đi cấp cứu, khám chữa bệnh phải xin phép phường xã”. Ngay sau khi phát hành, văn bản này đã nhận không ít phản ứng của người dân, cho rằng nội dung văn bản này trái với chỉ thị của Thủ tướng trong phòng chống dịch. Một lãnh đạo thành phố lý giải rằng, nội dung trên để lãnh đạo phường xã phải quan tâm đến người dân của mình và hỗ trợ kịp thời hơn nữa.
Cũng trong ngày, TP Vũng Tàu ban hành văn bản 6603, quy định “chỉ cho xe di chuyển vào ban đêm”, khiến cho đoàn xe “luồng xanh” bị ùn tắc kéo dài và phải quay đầu ngay khi đến cửa ngõ thành phố. Một ngày sau, cả thông báo số 75 và văn bản 6603 đều bị thu hồi trong sự ngỡ ngàng của người dân.
Tưởng là đã rút được kinh nghiệm, thế nhưng ngày 15-9, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bất ngờ ra văn số 4836, trong đó có quy định “Trường hợp người bệnh không phải trong tình trạng cấp cứu, đi khám chữa bệnh ngoài tỉnh phải liên hệ các bệnh viện trong tỉnh để được xem xét, cấp giấy chuyển tuyến”.
Đi kèm quy định đó là một điều kiện cũng rất oái ăm: “Sau khi được cấp giấy chuyển tuyến, gia đình người bệnh phải nộp hồ sơ cho Sở GTVT để phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh giải quyết. Hồ sơ gửi kèm gồm: giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám lại của bệnh viện ngoài tỉnh (nếu có) và phương án di chuyển do UBND cấp xã phê duyệt”. Ngay sau đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh phải nhanh chóng thu hồi lại văn bản số 4836.
Trước những văn bản pháp luật có tuổi đời “ngắn ngủi” này, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu các đơn vị không ban hành văn bản trái với ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh, gây khó khăn, bức xúc cho người dân. Song, có lẽ không dừng lại ở đó, mà cần có chế tài những cơ quan tham mưu, người ký những văn bản trái quy định, làm bài học để không còn xảy ra tình trạng “sáng ban hành văn bản, chiều thu hồi”.