Tranh thờ Quan Công

Hỏi:
Tranh thờ Quan Công

Hỏi: Tranh thờ Quan Công thường có ba người: Quan Thánh ngồi giữa, sau lưng là Quan Bình bên phải, Châu Thương bên trái. Tranh thờ ở nhà tôi có thêm: một người lưng đeo cung, đứng sau Quan Bình; một người sau lưng có cây côn, đứng sau Châu Thương, mặt rất giống Châu Thương. Xin hỏi hai người ấy là ai?

Trần Ngọc Thế (Phòng Y tế huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang)

Tranh thờ Quan Công ảnh 1

Tượng năm ông.

NGHÊ DŨ LAN: Tam quốc chí diễn nghĩa (TQC, tr. 10) tả Quan Công “mình dài chín thước, râu dài hai thước (một thước Tàu dài khoảng 0,36m), mặt đỏ như gấc; môi thắm như son; mắt phượng, mày ngài”. Lưu hành từ đời Thanh (Trung Quốc), kinh Minh thánh (MT) tả: Ngọa tàm mi bát tự. Đan phụng mục song tinh. Ngũ long tu bãi vĩ. Nhứt hổ ngạch dao thân. (Mày tằm hình chữ bát. Mắt phượng sáng như sao. Râu rồng rõ năm chòm. Trán hùm thân lẫm liệt.)

Dựa theo miêu tả trên, tranh thờ Quan Công (Quan Đế) có hai kiểu thông dụng.

1. Tượng ba ông: Quan Công ngồi giữa, tay vuốt râu (đôi khi vẽ tay kia cầm kinh Xuân thu). Sau lưng là Quan Bình giữ ấn (trái), Châu Thương cầm đao Thanh Long (phải).

Châu Thương (cũng gọi Châu Xương, Châu đại tướng quân). Theo TQC (tr. 459, 460, 568), Quan Công đưa hai chị dâu (vợ Lưu Bị) tìm Lưu. Gần tới núi Ngọa Ngưu thì gặp tướng cướp Châu Thương, mặt đen, râu xồm, cao lớn, hình dung dữ tợn. Châu bỏ lâu la đi theo Quan. Nghe tin Quan Công và Quan Bình bị Tôn Quyền chém, Châu đâm cổ tự vẫn. Châu được tôn thờ là Cương trực Trung dũng Đại thiên tôn. Kinh MT tả: Phù thiên dũng tướng. Sát địa mãnh thần. Thiết tu ngân xỉ. Hắc diện châu thần. (Tướng khỏe phụ giúp trời. Thần khỏe trông coi đất. Râu sắt răng bạc. Mặt đen môi đỏ.)

Quan Bình. Theo TQC (tr. 446-468), sau khi gặp Châu, Quan Công tiếp tục tìm Lưu Bị và Trương Phi. Đến Hà Bắc, gặp ông lão Quan Định có con thứ là Quan Bình biết võ, 18 tuổi, bèn xin Bình làm con nuôi. Kinh MT và các chùa thờ Quan Đế tôn Bình là Quan thái tử, tôn xưng là Cửu thiên Uy linh Hiển hóa Đại thiên tôn.

2. Tượng năm ông (ngũ công): Giống tượng ba ông, vẽ thêm Trương Tiên cầm cung đứng sau Quan Bình; và Vương Thiên Quân cầm giản đứng sau Châu Thương.

Vương Thiên quân là Thiên Lôi (Lôi Công, Linh Quan, Thái ất Lôi thinh Ứng hóa Thiên tôn). Kinh MT tả: Kim tinh châu phát. Hiệu tam ngũ hỏa xa Lôi Công. Phụng chủy ngân nha. Thống bách vạn tỳ hưu thần tướng. Phi đằng vân vụ, hiệu lịnh lôi đình. Giáng vũ khai tình, khu tà trị bịnh. (Mắt vàng tóc đỏ. Hiệu là Lôi Công coi ba mươi lăm xe lửa. Miệng nhọn như mỏ chim phượng, răng bạc. Chỉ huy một trăm vạn thần tướng dũng mãnh. Lướt mây cưỡi mù, lịnh ban sấm sét. Tuôn mưa làm nắng, đuổi tà trị bịnh.)

Trương Tiên là Linh ứng Trương tôn Đại đế Thất khúc Dục thánh Thiên tôn. Theo kinh MT, Trương phù trợ sản phụ, trẻ sơ sinh, v.v... Vũ khí là đạn vàng và cung trúc (kim đạn, trúc cung) nhưng có khi tranh thờ dân gian vẽ cầm cung và một mũi tên.

Phía trên tượng năm ông thường viết bốn chữ Hán “Ngũ Công Vương Phật”, tương truyền xuất hiện ở Trung Quốc từ đời Thanh, Càn Long thứ 46 (1781).

____________

Tham khảo:

- Minh thánh kinh, Trần Quang Thuận dịch. Gia Định: ấn quán Thạnh Mậu, 1964.

- Quan Đế minh thánh kinh, Mạnh Quấc Thoại dịch. Sài Gòn: nhà in Xưa Nay, 1930.

- Tam quốc chí, tập I, Phan Kế Bính dịch. TPHCM: NXB Văn Học và NXB Mũi Cà Mau, 1994.

Tin cùng chuyên mục