Tránh “thảm họa kép” do thời tiết thất thường, không theo quy luật

Thời tiết đang diễn biến rất thất thường, không theo quy luật, trong bối cảnh dịch bệnh lây lan rộng ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, cần chủ động theo dõi để phòng tránh “thảm họa kép”. 

PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, để tìm hiểu về nguyên nhân và dự báo các nguy cơ có thể xảy ra trong những tháng tới, hi vọng giúp các cơ quan chức năng, địa phương và người dân chủ động triển khai ứng phó… 

Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Mai Văn Khiêm báo cáo tại một cuộc họp chống bão của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai

PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá thế nào về tình hình thiên tai ở nước ta trong các tháng đầu năm nay, so với năm ngoái, có được coi là khác thường không?

TS MAI VĂN KHIÊM: - So với năm ngoái thì các tháng đầu năm nay, thiên tai ở nước ta không khốc liệt bằng. Mặc dù các đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt đã xảy ra trên diện rộng, nhưng mức độ thì không bằng năm 2020. Những tháng đầu năm, nền nhiệt trên cả nước cao hơn trung bình nhiều năm (mức phổ biến) nhưng mức tăng của nhiệt độ thì không mạnh như năm ngoái. Tuy nhiên, năm 2021 có đặc điểm là bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta sớm hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-20 ngày. 

Vừa qua, trên thế giới, thiên tai xảy ra liên miên, rất khốc liệt, hàng ngàn người chết và mất tích ở Tây Âu như Đức, Bỉ, Hà Lan; mưa lũ lịch sử ngập tàu điện ngầm ở TP Trịnh Châu (Hà Nam - Trung Quốc), hàng chục nghìn người dân Philippines phải sơ tán... Có nhiều chuyên gia cho rằng các vụ việc này cho thấy thiên tai xuất hiện trái mùa, thay đổi quy luật… Theo ông, nguyên nhân là gì?

- Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay đang là mùa mưa ở khu vực Trung Quốc, nên việc xuất hiện các đợt mưa lớn là bình thường và không phải là trái mùa. Tuy nhiên, với lượng mưa đạt hơn 600mm trong vòng 24 giờ thì đúng là quá lớn và được cơ quan khí tượng Trung Quốc đánh giá là trận mưa lớn chưa từng có suốt 1.000 năm qua ở tỉnh Hà Nam của nước này. 

Hiện chưa có nghiên cứu đánh giá cụ thể nguyên nhân đợt mưa lớn cực đoan này, nhưng một trong những nguyên nhân gây ra các hiện tượng thiên tai khốc liệt và hiếm gặp này được gắn với sự kiện biến đổi khí hậu. Theo nhận định, biến đổi khí hậu dẫn đến sự thay đổi về tần suất, cường độ, quy mô không gian, thời gian và quy luật hoạt động của các cực đoan thời tiết và khí hậu. Cụ thể như nhiệt độ nóng lên có thể làm cho các nhiễu động của hệ thống khí quyển như dải hội tụ nhiệt đới, các xoáy, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, giông, tố, lốc… trở nên mạnh hơn và xảy ra nhiều hơn.

Thưa ông, những năm gần đây thường xuất hiện những cơn bão có đường đi rất kỳ dị, từ phía Tây ra phía Đông ở Biển Đông, hoặc cùng lúc xuất hiện tới 2-3 cơn, hoặc có các tổ hợp nguy hiểm cùng tương tác. Vì sao có hiện tượng này?

- Nguyên nhân là do hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới thường được hình thành trong các tháng mùa mưa bão (từ tháng 6 đến 11 hàng năm). Dải hội tụ nhiệt đới này thường kéo dài hàng nghìn cây số, trên đó luôn tồn tại các trung tâm khí áp thấp, nếu gặp điều kiện thuận lợi sẽ mạnh lên và tạo thành các cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới.

Việc dự báo các cơn bão hoạt động đồng thời cùng các tổ hợp thời tiết tương tác lẫn nhau là rất phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phải theo dõi liên tục để phát hiện những sự thay đổi nhỏ của hoàn lưu khí quyển. Hiện tại do hệ thống quan trắc ở Biển Đông nói riêng và ở vùng biển Thái Bình Dương nói chung còn hạn chế, thưa thớt dữ liệu nên rất khó khăn cho công tác dự báo những cơn bão có hướng di chuyển phức tạp hoặc bị tương tác bởi những cơn bão khác.


Năm nay, mùa Đông ở miền Bắc sẽ bắt đầu như thế nào và mùa mưa ở miền Nam ra sao?

- Theo nhận định của chúng tôi, năm nay không khí lạnh có xu hướng hoạt động sớm, gia tăng tần suất và cường độ trong tháng 11-2021, sau hoạt động mạnh hơn vào tháng 12-2021 và tháng 1-2022.

Chính do không khí lạnh xuất hiện sớm nên theo nhận định của chúng tôi, nhiệt độ trung bình ở tháng 11 và 12 tại Bắc bộ và Bắc Trung bộ sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5oC; các nơi khác phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Điều này đồng nghĩa rét đậm, rét hại có thể đến sớm hơm so với mọi năm.

Còn về mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam bộ, trong tháng 8 và 9, tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn từ 5-15% so với trung bình nhiều năm. Tháng 10 và 11, tổng lượng mưa ở Tây Nguyên phổ biến cao hơn từ 20-40%, có nơi trên 50%; Nam bộ cao hơn từ 10-30% so với mọi năm. Tháng 12-2021 và tháng 1-2022, ở Nam Tây Nguyên và khu vực Nam bộ sẽ xuất hiện các cơn mưa trái mùa trong mùa khô.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, cơ quan dự báo khí tượng – thủy văn làm gì để tuân thủ quy định cách ly dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo theo sát diễn biến thiên tai, thời tiết?

- Do khí tượng - thủy văn là ngành đặc thù, làm việc 24/24 giờ, không có ngày nghỉ để có số liệu quan trắc liên tục nên khi tình hình dịch dã xuất hiện và có dấu hiệu phức tạp, Tổng cục Khí tượng - thủy văn đã chỉ đạo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, các đài khí tượng thủy văn khu vực lên phương án làm việc trong tình hình dịch Covid-19. Chúng tôi đang triển khai phương án làm việc luân phiên, đảm bảo hoạt động thông suốt cho cả hệ thống, trong đó đã xây dựng được kịch bản xấu nhất có thể xảy ra mà vẫn phải đảm bảo thông suốt hệ thống dự báo, cảnh báo. 

Theo ông, người dân cần làm gì để tránh thiệt hại nếu xảy ra “thiệt hại kép” do thiên tai và dịch bệnh?

- Ngay từ bây giờ, chúng ta cần phải chủ động các phương án chịu ảnh hưởng kép của thiên tai và dịch bệnh, sự cộng hưởng của hai thảm hoạ này là có thật và đáng báo động, như vừa rồi đã diễn ra ở Ấn Độ khi cùng lúc đối mặt với dịch Covid-19 và cơn bão Tauktae trong tháng 5-2021. Hậu quả cộng dồn của dịch bệnh và thiên tai sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta không chủ động, xây dựng kịch bản ứng phó.

Tin cùng chuyên mục