Tranh tết ngày xưa…

Ta còn nghèo, phố chật nhà gianh
Nhưng cũng đủ vài tranh treo Tết...


(Tố Hữu - Bài ca mùa xuân 61)

Theo “Lịch triều hiến chương loại chí” thì nghề in lối mộc bản đã có dưới triều Lý, Trần (thế kỷ 11-14). Theo những nghệ nhân làng tranh Đông Hồ thì nghề làm tranh mộc bản đã có từ thời Trạng nguyên Lương Nhữ Học đời Hậu Lê - người được làng tranh Đông Hồ thờ là tổ sư nghề in tranh tết. Và những nơi chính sản xuất tranh tết là làng Nam Du Thương, huyện Thanh Trì (Hà Đông), làng Sen Hồ (Bắc Giang), làng Đông Hồ (Bắc Ninh)… Riêng làng Đông Hồ trở thành một làng nổi tiếng về nghề làm tranh tết còn truyền tụng đến bây giờ. Làng này khi cực thịnh có 17 dòng họ thì tất cả đều làm tranh. Mỗi năm, để chuẩn bị mùa tranh chợ tết thì khoảng tháng 7, tháng 8 là cả làng đã tất bật, khắp làng rực rỡ sắc màu của giấy điệp, tranh đã in xong, giấy dó phơi đầy sân làng. Không khí trong làng rộn ràng từ sáng đến tối suốt mấy tháng liền như thế.

Tranh dân gian “Đám cưới chuột”

Thuở còn mài đũng quần tiểu học, tôi được biết tranh tết theo lối hàm thụ - bây giờ gọi là “học chay”, nghĩa là không có cái gọi là giáo cụ trực quan. Trong những bài tập đọc viết về tết luôn có nói đến tranh tết trong những phiên chợ tết, ví dụ như: “Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột/Loẹt lòe trên vách bức tranh gà” (Tú Xương). Thế là trong đầu cậu học trò nhỏ luôn có ý nghĩ tết là phải có tranh tết cũng như có cây nêu. Pháo thì còn biết vì tự đốt và nghe chứ cây nêu thì bù trất cũng như ông táo và tranh tết. Tranh tết chỉ là một danh từ mơ hồ cuối phần ghi chú của bài tập đọc.

Nhưng sau này, thằng nhỏ để ý mỗi lần mẹ đi chợ tết về là luôn mua những bộ tranh 4 tấm rồi treo lên tường nhà. Mỗi tấm dài chừng 7 tấc, ngang 3 tấc có in ba hình vẽ với chú thích. Như vậy, bốn tấm tranh có tới 12 hình vẽ kể lại một câu chuyện chẳng ăn nhập gì tới tết như truyện cổ tích Thạch Sanh - Lý Thông, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Tiết Nhơn Quý Chinh Đông, Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê… qua nét vẽ của Lê Trung, Hoàng Lương. Phải nói là những tấm tranh treo tết này màu sắc rực rỡ, vui mắt, dán vào những bức tường nham nhở hay vách lá thủng lỗ chỗ thì cũng tạo được sự mát mắt, sạch sẽ và ấm cúng cho ba ngày tết. Vì vậy, mỗi năm mẹ tôi thường hay thay tuồng tích mới trên những tờ tranh tết để còn thấy sự thay đổi, chứ năm mới, xài tranh tết mới mà nội dung cũ thì “mất mặt bầu cua” hết.

Suốt một thời gian, trong đầu cứ nghĩ tranh tết là loại tranh như vậy, té ra đây chỉ là một loại tranh trang trí treo trong nhà những ngày tết của người miền Nam. Còn tranh treo tết như nhà thơ Hoàng Cầm tả trong bài thơ Bên kia sông Đuống là “Tranh Đông Hồ, gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” tôi mới được biết khi xem những phụ bản đăng trong tạp chí xuân Văn và bài viết của Thiên Tướng “Tranh gà, tranh lợn với ngày tết Việt Nam” trên tạp chí Văn Học số xuân 71. Nhưng không hẳn tranh tết chỉ có tranh gà và heo. Trên những tờ tạp chí này còn in nhiều tranh với nội dung khác nhau. 

Một người miền Bắc ngày xưa, khi vào Nam ngồi nhớ lại tranh tết ngày xưa đã viết “Hồi còn nhỏ, mỗi khi trông thấy những tranh gà, tranh heo tôi lại thấy lòng tưng bừng một niềm rạo rực không tên. Có lẽ vì trông thấy những bức tranh xanh đỏ lòe loẹt đó, tôi biết ngay là tết sắp đến rồi. Bây giờ tôi hãy còn nhớ rõ như hôm qua những ngày cuối năm mẹ tôi đi sắm tết về bao giờ cũng mua cho anh em chúng tôi một cuốn chừng chín mười tờ tranh thường vẽ trên giấy Đáp Cầu, dài chừng một gang tay rưỡi, ngang chừng bốn gang hay hơn một chút. Những bức tranh ấy mang những hình vẽ khác nhau: hái dừa, gà mẹ gà con, chuột vinh quy bái tổ, Phúc Lộc Thọ, Thần trà Uất Lũy, Cóc đi học, Ngưu Lang -  Chức Nữ, Đinh Tiên Hoàng cưỡi rồng… Bức nào cũng xanh đỏ lòe loẹt, bức nào cũng có những nét ngây thơ mà hóm hỉnh riêng nên bức nào cũng làm cho chúng tôi thích thú. Thành thử ra năm nào chúng tôi cũng tranh giành nhau những bức tranh đó, có khi đến đánh nhau, nhưng rút cục  lại thì anh em đều thỏa thuận dán đầy cả trên tường để xem chung và làm như thế thì nhà tôi, đương bình thường, vụt hiện ngay ra một quang cảnh tết vui tươi khác thường, tưng bừng nhộn nhịp không chịu được” (Tạp chí Văn Học - Sài Gòn - 1970).

Những ngôi nhà tranh vách đất chật chội nhưng vẫn có vài tranh treo tết như lời nhà thơ Tố Hữu. Theo lời bạn tôi kể, tranh tết có nhiều nội dung. Trước hết là người ta ước tài, ước lộc bằng tranh hai vị thần tài, thần lộc. Hai ông áo dài, mũ cao chững chạc, quỳ hoặc đứng đối diện nhau, một ông dâng một cuốn thư đề chữ “tiến tài”, một ông dâng một trái đào đề chữ “tiến lộc”. Hoặc thường thấy nhất là tranh gà, tranh heo - hai loại gia cầm, gia súc ở nhà quê mà nhà nào cũng có. Tranh thể hiện bằng màu sắc tươi, nguyên chất bằng màu vàng của kim nhũ, màu đỏ son hình ảnh một con gà mái và một đàn con hay một con heo lớn và một đàn heo con tượng trưng cho sự thịnh vượng, trù phú. Ngoài ra, còn có tranh vẽ bốn chú bé. Chú thứ nhất cầm cành táo, chú thứ hai cầm sênh, chú thứ ba cầm cái triện (quan văn), chú thứ tư cầm cây long đao (dấu hiệu quan võ). Tranh này ý chúc rằng “tảo sinh quý tử”. Tranh “chú bé mặc áo đẹp” đeo khánh vàng, ngồi xem cá vàng bơi trong chậu pha lê, có thể đọc ra là “phúc khánh hữu dư”. Có bức tranh vẽ một đứa trẻ trai ôm một con cóc ngồi trên tàu lá chuối, một đứa bé gái ôm một quả cầu ngồi trong chiếc thúng với lời ghi chú “Trai tài ôm cóc tía/Gái sắc bế cầu xanh” (tranh này cầu chúc cho con trai trong nhà gan góc như cóc tía để gây dựng sự nghiệp và con gái thì sớm gieo cầu chọn được tấm chồng xứng đáng)…

Bên cạnh những tranh với lời chúc phúc, còn có những tranh diễn tả cảnh vui chơi ngày xuân như “Du Xuân đồ” vẽ cảnh cánh đàn ông hát ả đào trong sân đình, đấu vật, chơi tổ tôm với bốn câu thơ đề vịnh “Thời bình mở hội xuân/Nô nức quyết xa gần/Nhạc dâng ca trong điện/Trò thưởng vật ngoài sân”. Hay bức “Thưởng Xuân đồ” trình bày những trò chơi thưởng xuân phổ biến nhất thời đó như sóc đĩa với đầy đủ các “thành phần đổ bác: chủ sòng, nhà cái, con bạc... với thơ đề vịnh: “Bốn đồng trong chậu lấy/Mua bán mãi liền ty/Rượu chè dù thích chí/Thua được lại càng say”. Trong tranh còn vẽ cảnh con bạc bị thua phải cầm khố, đánh bạc bị vợ tóm cổ về: “Ông Hai sóc dĩa mới về/Gái nầy đương muốn ngứa nghề với ông” hay “Khố nầy chính lụa Cổ đô/Quả nhiên ngồi chận/xin cô hãy cầm” (thua bạc cầm khố), “Năm mới được lấy may/Đành nên ta về nghỉ” (con bạc ăn non bỏ về)…

Người bạn già, quê miền Bắc xưa ngồi chép miệng nhớ về tuổi thơ mỗi năm, chợ tranh chỉ nhộn nhịp và tấp nập nhất vào tháng Chạp, họp 5 phiên vào các ngày 6, 11,16, 21 và 26. Bà con, du khách thập phương đổ về mua tranh đông vui, tấp nập. Chưa tết nhưng đã là thấy tết. Ngày nay, cuộc sống hiện đại đã làm mất đi mảnh hồn quê, tranh gà heo, ông đồ, con cóc ngày xưa đã lọt thỏm vào góc nào đó của ký ức. Bây giờ, không còn ai mua tranh tết để dán cửa, dán nhà… Nhưng trong nơi chốn của hoài niệm và truyền thống vẫn còn đó “hồn giấy điệp” bừng bừng của dân tộc ngày xuân đầy ước vọng!

LÊ VĂN NGHĨA
----------------------
Xem tranh dân gian đánh ghen
Tranh tết ngày xưa… ảnh 2
Người xưa cũng đến là tài
Vợ cả vợ lẽ hai vai gánh gồng
Một bên muốn độc chiếm chồng
Một bên trong cảnh đêm mong ngày chờ

Tình yêu như một bài thơ
Xưa nay ai đã bao giờ viết chung
Một đò hai bến cùng mong
Để cho đò cứ thủy chung giữa dòng

Hai bà giành giật một ông
Còn ông lại muốn làm chồng cả hai
Lẽ nào ai chịu nhường ai
Vui - buồn - sướng - khổ - bi - hài đánh ghen.
ĐỖ HỮU KHÔI

Tin cùng chuyên mục