* PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá tác động thế nào từ việc tăng lương lần này?
* PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN: Tăng lương cơ sở là việc làm cần thiết và phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay. Qua đó, góp phần đảm bảo nâng cao cuộc sống của người lao động cũng như góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả lao động và nâng chất lượng phục vụ nhân dân tốt hơn, đồng thời góp phần thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cần phải có bước đi thận trọng và phù hợp với tình hình kinh tế cũng như cân đối ngân sách. Trong đó, để việc tăng lương thực sự góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, chúng ta cần kiểm soát giá cả và ổn định tỷ giá. Việc tăng lương không chỉ đơn thuần là nâng mức thu nhập mà còn phải kiểm soát lạm phát và đảm bảo nguồn cung hàng hóa.
* Điều mà nhiều người lo lắng khi tăng mức lương cơ sở đó là tăng giá cả các mặt hàng. Quan điểm của ông thế nào về việc này?
* Tôi theo dõi qua 14 lần tăng mức lương cơ sở trong 20 năm qua. Trong đó, chỉ có 2 lần tăng lương dẫn đến lạm phát cao là vào năm 2008 và 2011. Những năm đó, suy thoái kinh tế, biến động tỷ giá là nguyên nhân chính cộng với tình hình bội chi ngân sách cao, an toàn tài chính kém.
"Lần tăng lương này nằm trong chuỗi các lần tăng lương cơ sở trước đây, không phải là một cuộc cải cách tổng thể về tiền lương. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta cần sử dụng một hệ thống giải pháp đồng bộ, từ cải thiện thủ tục hành chính đến đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý hành chính. Việc tăng lương cũng phải đi kèm với việc tăng cường kiểm soát, giám sát và đảm bảo tính minh bạch trong quá trình thực hiện", PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho biết.
Còn hiện nay, nguồn để chi lương đã có do chúng ta để dành tiết kiệm, nên có nguồn tiền đảm bảo chứ không phải là chúng ta tăng bội chi. Cho nên, khi tăng mức lương cơ sở, chúng ta phải đảm bảo nguồn cung hàng hóa, tránh tình trạng khan hiếm. Đồng thời, chúng ta cũng phải giữ cho được tỷ giá ổn định. Bởi vì, nếu tỷ giá biến động thì sẽ kéo mặt bằng giá cả tăng lên. Mà muốn giữ tỷ giá ổn định thì chính sách tiền tệ phải đảm bảo theo mục tiêu là kiểm soát lạm phát 4%.
Một vấn đề tôi quan tâm hơn đó là yếu tố lạm phát tâm lý, tức là nghe tin đồn giá cả mặt hàng này, mặt hàng kia tăng, tạo ra “hiệu ứng domino” kéo theo các mặt hàng khác tăng giá theo. Cho nên, tôi rất quan tâm đến việc kiểm soát lạm phát tâm lý.
Để kiểm soát được, tôi cho rằng, chúng ta cần tăng cường thanh tra, kiểm tra ở các chợ, ở các nơi niêm yết giá; phải xử phạt một cách nghiêm minh và công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng hành vi vi phạm.
Một vấn đề quan trọng nữa là chúng ta phải chuẩn bị đảm bảo nguồn cung hàng hóa và điều hòa được nguồn hàng hóa để đảm bảo cung - cầu trên thị trường. Cùng với đó, cần tạo điều kiện để sản xuất phát triển, có như vậy thì nguồn cung hàng hóa mới phong phú, đáp ứng được nguồn cung, tránh tình trạng khan hiếm và đẩy giá cả tăng theo.
* Như ông vừa nói, đó là một hệ thống các giải pháp kiểm soát tăng giá cả các mặt hàng trên thị trường. Với các mặt hàng thiết yếu như điện, nước, học phí, chi phí khám chữa bệnh... do Nhà nước quản lý thì cần lưu ý gì, thưa ông?
* Kinh nghiệm cho thấy, việc điều chỉnh giá của các mặt hàng Nhà nước quản lý như điện, nước, học phí, chi phí khám chữa bệnh... cần được thực hiện cẩn trọng, tránh gây “hiệu ứng domino” lên giá cả. Để chống cú sốc, chống yếu tố về lạm phát tâm lý thì khi Nhà nước điều chỉnh tăng giá các mặt hàng này phải cách xa thời điểm tăng mức lương cơ sở.
Qua hơn 40 năm theo dõi về tình hình lạm phát ở Việt Nam, những điều tôi nói ở trên là bài học mà chúng ta có thể rút ra được để có những hệ thống giải pháp kiểm soát lạm phát khi tăng lương cơ sở. Để tránh lạm phát tâm lý, cần kiểm soát chặt chẽ thông tin và truyền thông, tránh tin đồn ảnh hưởng đến giá cả.
* Việc tăng lương cơ sở cũng nhận được quan tâm rất lớn trong khối lao động khu vực Nhà nước. Ông có nghĩ rằng việc tăng lương lần này sẽ là động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức?
* Việc tăng lương cơ sở lần này không ảnh hưởng lớn đến tổng thể, bởi vì, trong 20 năm qua, chúng ta đã có 14 lần điều chỉnh tăng mức lương cơ sở. Cho nên, lần tăng này cũng như các lần trước chứ đây không phải là cuộc tổng điều chỉnh cải cách tiền lương như kế hoạch mà cuối cùng chúng ta chưa làm được.
Việc tăng lương cơ sở lần này không ảnh hưởng lớn đến bối cảnh chung của kinh tế - xã hội, nhưng thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có tăng; từ đó, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc hiệu quả hơn, trách nhiệm hơn để xứng đáng với mức thu nhập tăng lên đó.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, công tác đánh giá cán bộ cần được đẩy mạnh, tăng quyền của người đứng đầu để đảm bảo công việc trôi chảy và giải quyết nhanh chóng. Mức lương tăng cũng đồng nghĩa với trách nhiệm và yêu cầu về chất lượng công việc cũng phải được nâng cao, đảm bảo người lao động xứng đáng với thu nhập được tăng.
Vì sao lương hưu chỉ tăng 15%?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội ĐẶNG THUẦN PHONG: Thời gian qua, mức lương hưu của người nghỉ hưu liên tục được nâng lên trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tăng trưởng kinh tế. Với số lần tăng lương hưu thời gian qua thì lương hưu dù chỉ tăng 11,5% nhưng sẽ ngang bằng với tăng mức lương cơ sở là 30%.
Tuy nhiên, xác định người hưởng lương hưu khó khăn trước bối cảnh giá cả sẽ tăng lên, cho nên lần này Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương đã cân nhắc rất nhiều và xác định chuyển mức tăng lương hưu từ 11,5% lên 15%. Lương hưu tăng 15% nhưng thực tế nếu cộng dồn các năm qua thì cao hơn mức tăng lương cơ sở là 30%.